Nuôi chó cưng cũng phải biết 'dưỡng' ý thức vì cộng đồng

(ĐTTCO) - Nuôi thú cưng có thể xem như thú vui, đáng tôn trọng. Tuy nhiên, nuôi thú cưng cần phải kèm điều kiện nhất định để bảo đảm không gây phiền hà và nguy hiểm cho cộng đồng.
Chó thả rông ở công viên không được rọ mõm.
Chó thả rông ở công viên không được rọ mõm.

Nuôi thú cưng phổ biến nhất là nuôi chó. Ở nông thôn, nuôi chó thuận tiện hơn ở đô thị, vì không gian rộng rãi và thoáng đãng. Việc nuôi chó ở đô thị, đã từng là chủ đề bức xúc của nhiều giới, nhiều ngành, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể đạt sự đồng thuận chung.

UBND quận 4, TPHCM vừa xử phạt 64 triệu đồng đối với hành vi nuôi chó làm ô nhiễm môi trường. Đây là mức phạt cao nhất từ trước đến nay dành cho cá nhân, do hậu quả nuôi chó không tuân thủ các nguyên tắc xã hội. Quyết định này rất đáng hoan nghênh, bởi không thể chấp nhận một hộ dân có diện tích cư ngụ nhỏ hẹp ở đô thị nuôi đến 82 con chó, và đổ chất thải bừa bãi.

Cũng may, 82 con chó được nuôi dưỡng và thả rong kia, chỉ mới vi phạm tác hại môi trường, chưa cắn người. Cho nên, cần có thái độ chấn chỉnh để an toàn cho cuộc sống khu dân cư. Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình, chủ sở hữu không phải bồi thường”.

Từ trường hợp cá nhân bị xử phạt 64 triệu đồng nói trên, đã đến lúc phải nhắc nhở mọi người tuân thủ Thông tư 07/2016 của Bộ NN-PTNT về phòng chống dịch bệnh động vật, trong đó nhấn mạnh việc nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã tại các đô thị, và tại nơi đông dân cư chó phải được xích, nhốt trong khuôn viên gia đình nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Thực tế cho thấy, hầu như người dân đô thị chỉ nuôi thú cưng như một thú vui, không hề biết có Thông tư 07 trên. Thậm chí, cán bộ cơ sở cũng không lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn, nên không thể nắm được thông tin về chủ vật nuôi, số lượng nuôi và lịch tiêm phòng vaccine dại.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, hiện nay vẫn còn xảy ra một số trường hợp vi phạm khi đưa chó ra đường không có rọ mõm, không có dây xích, không có người dắt, không đăng ký đầy đủ với chính quyền địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức một số người dân chưa cao. Bên cạnh đó, nhân sự của chính quyền địa phương cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý chăn nuôi như bắt buộc phải đăng ký.

Chưa làm tốt nhiệm vụ bắt và xử lý chó thả rông, xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, chưa tạo được sự răn đe để người dân chấp hành đúng quy định. Đó là những điều hết sức nguy hiểm, nếu những con chó bị dại không được giám sát cẩn thận.

Cần lưu ý, bệnh dại không phát ngay, mà thời kỳ ủ bệnh trung bình 30-90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Phong trào nuôi thú cưng ở đô thị ngày càng phát triển. Có những con chó nhập khẩu trị giá hàng trăm triệu đồng, có những giống chó rất hung dữ chủ sở hữu khi dắt ra đường vẫn không rọ mõm. Vì vậy, nuôi chó nói riêng và nuôi thú cưng nói chung, nên xác định là thú vui với điều kiện nhất định về đảm bảo an toàn và văn minh cho đô thị.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022-2030, UBND TP Hà Nội thành lập 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Mục tiêu đặt ra, là giám sát được chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại, nhằm xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các quận chưa được công nhận, đồng thời duy trì các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với 100% vùng an toàn dịch bệnh dại đã được công nhận.

Đội bắt chó không phải là điều quá xa lạ với đời sống. Ở nhiều địa phương, Chi cục Thú y có cả xe bắt chó thường xuyên rong ruổi trên các cung đường để tóm cổ những con chó thả rông có thể gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông và sinh hoạt người dân. Thế nhưng, ở Hà Nội và những đô thị lớn, chó được nuôi như một loại thú cưng, đắt tiền và được chăm sóc theo tiêu chuẩn cao.

Vì thế, thành lập 600 đội bắt chó ở Thủ đô lại phải đối diện không ít thách thức. Lực lượng bắt chó không lẽ trưng dụng từ bảo vệ dân phố, công an khu vực, nhân viên y tế, hay phải đào tạo cán bộ chuyên trách? Đội bắt chó mỗi tuần xuất kích 1-2 ngày, còn những ngày khác thì sao? Đội bắt chó thực hiện nhiệm vụ theo tin báo của quần chúng, hay chỉ tập trung ở những khu vực công cộng? Bắt chó thả rông sẽ hạn chế tối đa tình trạng người tử vong do chó cắn.

Thực tế, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng người nuôi để chó chạy ra đường không có rọ mõm, không có xích và phóng uế bừa bãi. Tuy nhiên, khi đội bắt chó đã tóm được “đối tượng” lại có nhiều rắc rối khó giải quyết. Lấy chỗ nào “tạm giữ” và lấy đâu chi phí nuôi dưỡng “đối tượng” khi chưa xác định được chủ nhân trong vòng 48 giờ? Nếu “đối tượng” có sự cố gì trong thời gian “tạm giữ”, chủ nhân khiếu nại và đòi bồi thường thì sao?

Việc nuôi chó trong khu dân cư vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Khoản 3 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, nhưng Luật Thú y 2018 không xác định chó nằm trong những phạm vi bị chế tài.

Ở những chung cư không cấm nuôi chó, sự xuất hiện của chó cũng là nguyên nhân gây mất đoàn kết cho cộng đồng, bởi không thể kiểm soát được những tiếng sủa bất thình lình giữa trưa vắng hay canh khuya. Và không ai dám đảm bảo những người nuôi tuân thủ đầy đủ theo pháp luật về việc tiêm phòng vaccine cho chó.

Thành lập đội bắt chó là ý tưởng đột phá, nhưng liệu có khả thi? Muốn con chó không gây họa cho con người, phải kiện toàn các quy định về nuôi chó ở đô thị, thậm chí phải hạn chế cả những giống chó hung dữ, khó thuần dưỡng như thú cưng. Quản lý ngay chủ nuôi, không thể chờ chó chạy rông mới đuổi bắt kiểu may rủi và oái oăm.

Các tin khác