Trên thực tế, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác đã diễn ra từ những năm qua, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần này có thể coi là “cú hích” để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.
Làn sóng đầu tư mới
Công ty Goertek vừa quyết định rót thêm 260 triệu USD vào tỉnh Bắc Ninh để phát triển dự án thứ 2 của mình tại địa phương này, sau khi đã có nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại di động, flycam… cách đây 7 năm. Dự án mới của nhà đầu tư đến từ Hồng Công này sẽ được thực hiện tại Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ nhằm chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện.
Dự án đầu tiên của Goertek đặt tại KCN Quế Võ, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động và trở thành một trong những nhà cung cấp cho Samsung tại Việt Nam. Trong khi đó, Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd (Trung Quốc) sẽ rót 214,4 triệu USD vào tỉnh Tiền Giang để thực hiện dự án sản xuất vỏ xe, cao su và các sản phẩm liên quan.
Một góc hạ tầng KCX Tân Thuận (TPHCM) - một trong những điểm đến của doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Công khi đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Cam kết đầu tư mới của Goertek và Guizhou đã góp phần nâng tổng đầu tư của Hồng Công và Trung Quốc ở Việt Nam tăng cao, với thứ tự là vị trí thứ nhất và thứ tư trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong quý đầu tiên của năm nay. Cụ thể, Hồng Công dẫn đầu nguồn vốn cam kết đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư); trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn cam kết hơn 1 tỷ USD.
Có thể nói, thời điểm này là một bước chuyển đầu tư khá mạnh mẽ vào Việt Nam của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc và Hồng Công trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trên thực tế, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác đã diễn ra từ những năm qua, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần này có thể coi là “cú hích” để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.
Tin từ Công ty liên doanh KCN Việt Nam - Singapore, chủ đầu tư phát triển các KCN VSIP, cho biết dự án KCN VSIP 3 ở Bình Dương dù chưa đưa vào khai thác nhưng đã có hàng chục nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực linh kiện điện tử, đồ nội thất, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ, dệt may, vật liệu xây dựng... đăng ký đợi nhận đất để xây nhà xưởng. Tại các KCN VSIP Quảng Ngãi, có 70% - 80% DN đang thuê đất là nhà đầu tư đến từ đất nước đông dân nhất thế giới. Tương tự, theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, thời gian qua, nhiều DN Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày... đã đến các KCN trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu về cơ hội đầu tư.
Những quan ngại
Từ đầu tháng 10-2018, Mỹ bắt đầu áp thuế nhập khẩu 10% từ thị trường Trung Quốc đối với nhóm sản phẩm bao bì nhựa (trước đó là 0%), ngay lập tức các nhà sản xuất nhóm mặt hàng này của Trung Quốc đã đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. Bà Anna Ho, CEO Công ty Silstar Machinery - nhà cung cấp máy móc thiết bị cho các nhà sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa, cho biết thông qua công ty bà, 4 DN Trung Quốc sản xuất nhóm mặt hàng này đã đến Việt Nam tìm hiểu khả năng mở nhà máy sản xuất.
Theo bà Anna Ho, sự chuẩn bị này của DN Trung Quốc không quá sớm, khi mà Mỹ có kế hoạch sẽ nâng mức thuế nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc lên 25% trong thời gian tới, trong khi Việt Nam và một số nước khác trong khu vực vẫn đang được áp mức thuế 0%.
Nguồn vốn Trung Quốc tăng mạnh và nhanh vào Việt Nam trong thời gian qua cũng đã làm dấy lên không ít ý kiến quan ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược “Made in China 2025” nhằm thay thế công nghiệp giá rẻ, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, bằng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Do đó, những công nghệ thải loại của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển dịch sang các nước khác và giới phân tích lo ngại Việt Nam có thể nằm trong số đó. Hoạt động đầu tư của các DN dệt may, xơ sợi hay da giày… vốn nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc. Các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và các ngành dễ mất sức cạnh tranh khi chi phí lao động tăng cao đều được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài. Trên thực tế Trung Quốc đang có những chính sách cắt giảm, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than; sản xuất đồ gỗ nội thất, sắt thép...
Ngoài ra, lo sợ của các DN trong nước là rủi ro hàng hóa của nước chịu thuế cao bởi bất ổn thương mại sẽ đi vòng qua Việt Nam, khiến hàng hóa xuất đi từ Việt Nam sẽ chịu chung mức thuế. Bên cạnh đó, các DN lo ngại nguy cơ bị thâu tóm qua M&A mà DN Trung Quốc tăng cường mạnh trong thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xem xét đến việc phân quyền giữa trung ương và địa phương trong thu hút đầu tư; đảm bảo cấp xét duyệt phải có đủ năng lực tránh tiếp nhận các dự án tác động xấu tới môi trường, xã hội.
Từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn. Trong tốp 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, hầu như không có tên của Trung Quốc. Nhưng kể từ năm 2011, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường TPP, mà sau này là thị trường theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu như năm 2017, nguồn vốn từ Trung Quốc đạt gần 2,17 tỷ USD, thì năm 2018 con số này là hơn 2,46 tỷ USD, thông qua gần 390 dự án mới, 90 dự án tăng vốn và gần 1.030 số lượt góp vốn - mua cổ phần DN trong nước. Cùng thời gian này, Hồng Công cam kết 3,23 tỷ USD thông qua gần 160 dự án mới, 83 dự án tăng vốn và 127 lượt góp vốn - mua cổ phần DN trong nước. |