ODA Nhật Bản góp phần giảm sức ép nợ công

(ĐTTCO) - Phản hồi về loạt bài vốn ODA với bất cập cơ chế huy động và sử dụng, ông FUJITA YASUO (ảnh), Trưởng đại diện JICA Việt Nam, đã dành cho ĐTTC buổi trao đổi về những vấn đề này. Ông Fujita Yasuo, khẳng định ODA Nhật Bản thực ra đang góp phần làm giảm sức ép nợ công của Việt Nam. PHÓNG VIÊN: - Đến nay Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam hơn 2.000 tỷ yen (khoảng 19,7 tỷ USD) vốn ODA. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn vốn vay này trong những năm qua?

(ĐTTCO) - Phản hồi về loạt bài vốn ODA với bất cập cơ chế huy động và sử dụng, ông FUJITA YASUO (ảnh), Trưởng đại diện JICA Việt Nam, đã dành cho ĐTTC buổi trao đổi về những vấn đề này. Ông Fujita Yasuo, khẳng định ODA Nhật Bản thực ra đang góp phần làm giảm sức ép nợ công của Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Đến nay Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam hơn 2.000 tỷ yen (khoảng 19,7 tỷ USD) vốn ODA. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn vốn vay này trong những năm qua?

Ông FUJITA YASUO: - Nguồn vay ODA Nhật Bản với lãi suất ưu đãi thấp 0,1-1,4%/năm, thời gian trả nợ 25-40 năm, trong đó 7-10 năm ân hạn trả nợ, là các điều kiện vốn vay ưu đãi hơn nhiều so với vốn vay cung cấp bởi các nhà tài trợ khác cũng như vốn vay từ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam, JICA có thể cung cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam đến năm 2030.

Hiệu quả vốn vay ODA Nhật Bản tại Việt Nam được thể hiện qua những con số ấn tượng. Đã có 287 cầu, 3.309km đường bộ, 3 bệnh viện lớn, nhà máy sản xuất vaccine, nhiều nhà máy phát điện với tổng công suất 4.500 MW… được xây dựng thông qua nguồn vay ODA Nhật Bản. Một số dự án, công trình có quy mô và tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân; đường nối sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân; hệ thống giao thông liên kết các thành phố vệ tinh của Hà Nội và TPHCM; hầm đường bộ Hải Vân, hệ thống đường bộ quốc gia, hỗ trợ giảm nghèo… Bên cạnh vốn vay ODA, JICA còn hỗ trợ Việt Nam thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật như dự án rau an toàn (Basic GAP); phòng chống mua bán người; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; hầm chui Kim Liên - vành đai 1 (Hà Nội); cầu vượt Ngã Tư Sở (Hà Nội)...

- Theo JICA Việt Nam, vốn vay ODA Nhật Bản góp phần giảm áp lực nợ công những năm gần đây, ngay cả khi áp lực về đầu tư hạ tầng ngày càng tăng. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Nợ công của Việt Nam những năm qua tăng nhanh, nợ vốn vay ODA Nhật Bản cũng tăng, tức khối lượng vốn vay ODA Nhật Bản có góp phần làm tăng nợ công. Nhưng tỷ lệ nợ vốn vay ODA Nhật Bản/nợ công của Việt Nam những năm qua lại giảm. Cụ thể dư nợ vay ODA Nhật Bản đã tăng từ 9,139 tỷ USD (năm 2010) lên 11,849 tỷ USD (năm 2014) và hiện nay lên 19,7 tỷ USD. Nhưng tỷ trọng vốn vay ODA Nhật Bản/tổng nợ công đang có xu hướng giảm từ mức 16% (năm 2010) xuống 11% (năm 2014). Điều này cho thấy các dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đang được triển khai hiệu quả với tốc độ giải ngân tốt, qua đó góp phần làm giảm gánh nặng nợ công của Việt Nam.

Một thí dụ điển hình cho trường hợp này là dự án xây dựng cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư 80 tỷ yen, trong đó vốn vay ODA 54,2 tỷ yen. Theo tính toán của JICA, nếu so sánh với nguồn huy động từ TPCP với lãi suất 5%/năm, thời hạn hoàn trả 30 năm, việc xây dựng cầu bằng nguồn vốn TPCP sẽ đắt hơn 40%. Cụ thể, với dự án cầu Nhật Tân, nếu sử dụng nguồn vay TPCP tổng chi phí lên đến 135,5 tỷ yen, trong khi tổng chi phí phải hoàn trả nếu vay ODA 55,6 tỷ yen. Nếu trừ 25,8 tỷ yen vốn đối ứng từ phía Việt Nam, chi phí xây dựng bằng vốn ODA vẫn rẻ hơn vốn TPCP rất nhiều.

- Ông có thể cho biết cơ cấu nguồn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam có bao nhiêu % là vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay không ràng buộc, vốn vay ràng buộc (STEP)? Lợi ích khác nhau của các loại hình vốn vay này??

- Vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc STEP được gọi là “điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế. Hình thức này áp dụng cho các dự án cần tận dụng đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản, dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ vượt trội của Nhật Bản. Điều kiện chính của khoản vay STEP là nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật Bản đơn lẻ, hoặc đứng đầu liên doanh giữa công ty Nhật Bản và Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án phải sử dụng không dưới 30% hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản.

Trong tổng số vốn vay đã cam kết năm 2010-2014, tỷ trọng của các khoản vay STEP vào khoảng 38% và 62% số vốn vay còn lại được cung cấp không hạn chế về quốc tịch nhà thầu hay nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Như vậy, ngay cả đối với vốn STEP cũng chỉ giới hạn 30% hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản, 70% còn lại xuất xứ từ các nước khác. Hơn nữa với các dự án sử dụng vốn STEP doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tham gia thực hiện hợp đồng với tư cách là thành viên của liên danh nhà thầu Việt Nam - Nhật Bản, hoặc tham gia với tư cách là nhà thầu phụ thực hiện dự án. Điều này cho thấy ngay cả loại hình vốn vay STEP Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng có tính chất rất mở đối với sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động mua sắm hàng hóa phục vụ dự án.

- Theo ông Việt Nam cần thay đổi gì để việc triển khai các dự án vốn vay ODA được hiệu quả hơn?

- Để nguồn vay ODA phát huy tối đa hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện 4 thay đổi. Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động đền bù như giám sát chặt chẽ quá trình, minh bạch trong xây dựng các kế hoạch đền bù GPMB. Thứ hai, rút ngắn thời gian triển khai hoạt động mua sắm, đấu thầu dự án. Hiện tại các quy định trong mua sắm chính phủ, quy định về đấu thầu của Việt Nam và quốc tế còn có nhiều điểm khác biệt, dẫn tới việc triển khai các thủ tục về mua sắm, đấu thầu bị chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án sử dụng vốn vay ODA. Thứ ba, đảm bảo ngân sách cho triển khai các hợp đồng vay vốn ODA, cần cho phép hệ thống ngân sách được linh hoạt trong tái phân bổ ngân sách đối với các dự án cần vốn bổ sung. Thứ tư, đẩy nhanh quá trình ra quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các dự án sử dụng nguồn vay ODA, thông qua việc định rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý; tăng cường cơ chế điều phối thông qua giảm thiểu việc trùng lắp và thiếu nhất quán của các quy định liên quan...

Hiện JICA đang chuẩn bị công khai các bước thực hiện dự án áp dụng với tất cả dự án vốn vay thông qua một trang web, qua đó giúp giám sát và minh bạch quá trình mua sắm của các gói thầu và quá trình triển khai tất cả các dự án. Tiếp theo, JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nâng cấp hệ thống này để có thể giám sát tất cả các dự án đầu tư công ở Việt Nam nhằm tăng cường tính hiệu quả và minh bạch của dự án. JICA kỳ vọng trang web sẽ giúp xác định các nguyên nhân, các tổ chức gây chậm trễ cho dự án, đồng thời cũng sẽ góp phần ngăn chặn tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác