Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng “vạn biến”

(ĐTTCO) - Ngày 18-9, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã khép lại sau 2 phiên thảo luận chuyên đề và một phiên tọa đàm cấp cao. 

Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế.

Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022. Ảnh: QUANG PHÚC

Quản chặt mục đích sử dụng đất

Tóm tắt các ý kiến tại phiên thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, các ý kiến đề nghị thay đổi cơ bản chính sách tài chính về đất đai trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Đó là, cần có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp.

Nội dung quan trọng khác được đề xuất là đưa định nghĩa giá thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); chú trọng vào thuế chuyển nhượng bất động sản, tính toán sao cho giảm thuế suất để giá đất thực được các bên ghi nhận đúng trên hợp đồng chuyển quyền.

Trước đó, bàn về cơ chế tài chính đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất là chênh lệch địa tô. Việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động lực, nguồn lực để phát triển. Ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. “Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Cần có cơ chế bịt lỗ hổng này”, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh.

Vấn đề thứ 2 là giá đất. Hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng mỗi phương pháp đều có nhược điểm nhất định. Bộ trưởng cho rằng, phải rà soát để tìm ra phương pháp định giá phù hợp nhất.

Vấn đề thứ 3 là về thời điểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải tiến hành định giá trước thời điểm tính giá đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đặc biệt quan tâm đến vấn đề thông tin dữ liệu đất đai. “Càng chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm thì sẽ càng thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt nhân dân giám sát nguồn lực đất đai một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bình luận.

Chính phủ phục vụ

Với phiên hội thảo chuyên đề “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi cho biết, các ý kiến của đại biểu tập trung đề nghị Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sự ổn định về vĩ mô, đặc biệt là thị trường tài chính.

Nhóm kiến nghị quan trọng khác liên quan đến việc nhanh chóng hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương; tăng cường liên kết vùng để tạo ra sự đồng bộ, thông suốt và động lực mới cho tăng trưởng và phát triển. Cùng với đó là tăng tốc, đẩy mạnh quá trình số hóa và điện tử hóa hoạt động quản lý nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân. Điều này cần được triển khai thông qua các giải pháp cụ thể như xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong quản lý nhà nước, tích hợp các loại giấy tờ hành chính trong cùng một hệ thống đồng bộ, thúc đẩy cung ứng dịch vụ công phát triển theo phương châm “Chính phủ phục vụ”.

Tại phiên thảo luận, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề nghị: “Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà”.

Một đề xuất đáng chú ý được ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam, nêu ra là để phục hồi và phát triển kinh tế, gói tài khóa của Việt Nam cần ưu tiên thực hiện kích thích chi tiêu; gia tăng chi tiêu thị trường nội địa, có thể bằng cách chuyển khoản tiền mặt cho người dân.

Trao đổi với chuyên gia Jonathan Pincus về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội (chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), cần phải đánh giá trong tổng thể các chính sách mà Việt Nam đã ban hành, thực hiện từ năm 2020 và cả những chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31-12-2021 nhưng thực hiện cho năm 2022.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đặc điểm ngân sách Việt Nam là dư địa tài khóa không nhiều, nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng - với số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hóa hơn. Giải pháp này còn có ưu điểm là thực thi rất nhanh, đồng thời còn góp phần kiềm chế lạm phát.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Cải cách thể chế là giải pháp hàng đầu

Giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực. Tiếp tục cải cách thể chế là giải pháp hàng đầu, trong đó tập trung vào đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản, đặc biệt là công tác đấu giá đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, để khai thác có hiệu quả nhất một trong những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.

GS ANDREAS HAUSKRECHT, Đại học Indiana (Mỹ): Việt Nam nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn

Nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai, cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và 2023, kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD, có thể chịu tác động lớn. Dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác, khi đó Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Song, Việt Nam không nên giảm giá đồng Việt Nam, cũng như không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính. Thay vào đó, nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.

Ông ANDREA COPPOLA, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tăng tốc chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất

Trong khi các nước trên thế giới đang quan ngại về lạm phát thì Việt Nam vẫn kiểm soát tốt. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. GDP tăng trưởng ở mức khả quan. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý, tỷ lệ đóng góp của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khá lớn và không ngừng tăng nhanh. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần xúc tiến tăng trưởng xanh và tăng tốc chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.

--------------------

Chưa thể bỏ room tín dụng trong ngắn hạn

Đề cập tới việc nới room tín dụng, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục và lo ngại trách nhiệm thanh tra. Các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng, song vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Quyết định chưa nới room tín dụng là vì mục tiêu kiềm chế lạm phát 4%, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh room tín dụng.

Về đề xuất này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, trên 30%, có năm gần 54%, nhưng trong 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành tăng trưởng ở mức khoảng từ 12-14%. Đây là một chỉ tiêu an toàn vĩ mô cho chính hoạt động của các tổ chức tín dụng và chưa thể bỏ được trong ngắn hạn.

Các tin khác