Hiến pháp không có
Theo hãng tin TASS, phát biểu của đại diện Điện Kremlin được đưa ra sau khi người đứng đầu chính quyền Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov đề xuất đưa nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trở thành “tổng thống trọn đời”.
“Hiến pháp không quy định có vị trí này”, ông Peskov nói khi bình luận về đề xuất của ông Kadyrov.
Lãnh đạo Chechnya đã đưa ra ý tưởng nói trên tại một cuộc họp của trung tâm khủng hoảng chống Covid-19 của khu vực được tổ chức ngày 30/6.
“Chúng ta nên bầu ông Vladimir Putin làm tổng thống trọn đời. Hiện nay, ai có thể thay thế ông ấy? Không có một nhà lãnh đạo chính trị như vậy trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta nên tự hào về điều này”, ông Kadyrov nói.
Kêu gọi sửa Hiến pháp
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/6 đã lên tiếng kêu gọi nhân dân toàn đất nước tham gia đợt bỏ phiếu toàn Nga về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, vào ngày thứ Tư, mùng 1 tháng 7.
Người đứng đầu nhà nước nhắc lại rằng, cuộc bỏ phiếu thực ra đã bắt đầu vào ngày 25 tháng 6, quyết định như vậy được đưa ra xuất phát từ tình hình dịch tễ trong nước và trên thế giới, cũng như theo "yêu cầu bảo vệ sức khỏe của mọi người".
"Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã tự mình lựa chọn. Ngày 01 tháng 7, là ngày bỏ phiếu chính. Tôi đề nghị các bạn thân mến, hãy cất lên tiếng nói của bạn. Tiếng nói của mỗi người trong số các bạn là quan trọng nhất, chính yếu nhất" - nguyên thủ quốc gia nói trong thông điẹp gửi tới người dân Nga, lời tổng thống phát biểu được phát sóng trên truyền hình.
Tổng thống cũng lưu ý rằng, trong những năm gần đây, ông đã nhiều lần đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất và đợt trưng cầu dân ý này là một trong số đó.
Trong thông điệp này, ông nhấn mạnh rằng, nhân dân Nga bỏ phiếu không chỉ vì "những sửa đổi đảm bảo tính pháp lý rõ ràng", mà còn vì đất nước mà mọi người muốn sống, với nền giáo dục và y tế hiện đại, với sự bảo vệ xã hội đáng tin cậy của công dân, với chính quyền hiệu quả, có trách nhiệm với xã hội.
"Chúng ta bỏ phiếu cho đất nước, vì quốc gia mà chúng ta làm việc, tổ quốc mà chúng ta muốn trao lại cho con, cháu chúng ta" – vị nguyên thủ quốc gia Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Putin nói thêm rằng, sửa đổi hiến pháp, trong trường hợp được ủng hộ, sẽ củng cố các giá trị và nguyên tắc "như là sự bảo đảm hiến pháp cao nhất và vô điều kiện".
"Đó là trách nhiệm của chúng ta, đó là tình cảm chân thành của chúng ta về lòng yêu nước, mối quan tâm đối với quê hương mà chủ quyền của Nga được đặt ra, cũng như tôn trọng lịch sử, văn hóa, tiếng mẹ đẻ, truyền thống, ký ức của chúng ta về những thành quả và thành tựu của tổ tiên chúng ta" - ông nói.
Được biết, cuộc bỏ phiếu toàn Nga về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga đã được lên kế hoạch vào ngày 22 tháng 4, nhưng sau đó bị hoãn lại do đại dịch coronavirus ở trong nước.
Sau đó, Tổng thống đã ký nghị định về ngày bỏ phiếu mới là ngày 1 tháng 7. Do sự cần thiết phải tính đến tình hình dịch tễ và sự an toàn của người dân, Nga đã quyết định rằng, công dân Nga có thể bỏ phiếu từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7.
Sửa đổi Hiến pháp nếu được thông qua sẽ cho phép đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền đến năm 2036 |
Điều khoản quan trọng nhất trong sửa đổi hiến pháp
Được biết, dự luật về sửa đổi hiến pháp mang tên "Về việc hoàn thiện một số vấn đề tổ chức chính quyền" đã được đệ trình lên Hạ viện hôm 20/01/2020 và được phê chuẩn ngay trong lần đọc đầu tiên.
Sau đó, các nội dung sửa đổi đã được hai viện Quốc hội Nga là Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như Hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua và tiếp sau đó cũng được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua.
Theo giới chức Nga, tài liệu này nhằm mục đích phát triển các điều khoản bảo tồn nền tảng hệ thống hiến pháp, quyền con người và quyền tự do. Các đề xuất được nêu trong đạo luật về sửa đổi Hiến pháp là nhằm củng cố nền tảng của hệ thống hiến pháp, các quyền và tự do của con người và công dân. Dự luật cũng giới thiệu một thủ tục mới là “bỏ phiếu toàn Nga”.
Theo các tác giả, một trong những vấn đề chính là xác định vai trò và vị thế của Hội đồng Nhà nước trong hệ thống chính phủ và đề ra các nguyên tắc chính cho sự tương tác của Hội đồng Nhà nước với các cơ quan nhà nước khác.
Một mảng quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp liên quan đến cấu trúc chính trị, bao gồm việc phát triển hệ thống kiềm chế và đối trọng. Ngoài ra, còn có vấn đề tương quan giữa chính quyền nhà nước với chính quyền thành phố và sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, Tổng thống Vladimir Putin đề xuất sửa đổi ở cấp hiến pháp các điều kiện tiên quyết như quan chức Nga không được phép có quốc tịch và giấy phép cư trú nước ngoài, thắt chặt yêu cầu đối với các ứng cử viên tổng thống, giao phó cho Duma Quốc gia không chỉ phối hợp, mà còn bổ nhiệm thủ tướng cũng như các phó thủ tướng, mở rộng quyền hạn của Hội đồng Liên bang, củng cố vị thế của Hội đồng Nhà nước. Đây sẽ là cơ quan đảm bảo phối hợp hoạt động và tương tác của các cơ quan nhà nước, xác định các hướng chính trong chính sách đối nội, đối ngoại và các ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của nhà nước.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là sửa đổi về quy định nhiệm kỳ cầm quyền của các tổng thống.
Theo hiến pháp hiện hành của Nga, một người không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ (6 năm) liên tiếp. Đối với ông Putin, năm 2024 là năm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông và nếu tính luôn các nhiệm kỳ trước, đó đã là nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.
Trong Luật sửa đổi hiến pháp có điều khoản nêu rõ, một người không thể giữ chức Tổng thống Nga trong “hơn hai nhiệm kỳ” (trước kia là 2 nhiệm kỳ liên tiếp) và Tổng thống Vladimir Putin được xóa các nhiệm kỳ trước để có thể ra tranh cử năm 2024.
Giới phân tích cho rằng, đa số dân Nga sẽ ủng hộ đạo luật sửa đổi hiến pháp, cho phép ông Putin có thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2024 sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.
Như vậy, nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tại vị tới năm 2036, tiếp tục xây dựng “Đế chế Putin” ở nước Nga cho tới khi ông đã 83 tuổi.