Nhu cầu dầu Trung Quốc giảm mạnh
Dịch Covid-19 hoành hành đã gần 2 tháng, dù chưa thể đánh giá được chính xác ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế thế giới cũng như thị trường dầu mỏ, nhưng OPEC đã thấy “ngấm đòn”. Tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm mạnh do các nhà máy đóng cửa và người dân hạn chế đi lại. Tắc đường ở các thành phố lớn đã thấp hơn mức bình thường rất nhiều.
Bloomberg ước tính lượng nhiên liệu cho máy bay phản lực được Trung Quốc sử dụng thấp hơn mức 240.000 thùng/ngày, do số chuyến bay cất cánh giảm khoảng 80%. Mức độ ô nhiễm do các hoạt động kinh tế và sử dụng nhiên liệu cũng có dấu hiệu chậm lại. Điều này đáng ra là lý do để ăn mừng, nhưng cú giảm sốc lại khiến nhiều người buồn hơn là vui. Theo Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, mật độ khí NO2 ở Trung Quốc đã giảm 36%. Các lĩnh vực công nghiệp như lọc dầu, sản xuất nhiệt điện và sản xuất thép đã giảm 25-50%, góp phần làm giảm ô nhiễm không khí ở Trung Quốc.
Vào tháng 12-2019 - trước khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh xảy ra - Trung Quốc đã nhập gần 11 triệu thùng dầu (tương đương sản lượng nhà sản xuất lớn như Nga), với hơn 1/2 nguồn cung đến từ các nước OPEC. Arabia Saudi là nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2019, trung bình khoảng 1,7 triệu thùng/ngày, gần bằng 1/4 lượng xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này.
Trung Quốc là khách hàng quan trọng nhất của Arabia Saudi và cùng với các nước châu Á khác như Ấn Độ và Hàn Quốc đang trở nên ngày càng quan trọng đối với các nhà sản xuất dầu lớn quanh vịnh Ba Tư. Nếu nền kinh tế của một trong các nước này có dấu hiệu chững lại, giá dầu sẽ giảm và doanh thu các nước OPEC sẽ bị ảnh hưởng.
Gary Ross, Giám đốc điều hành của Black Gold Investors - một công ty thương mại và đầu tư ở New York (Mỹ) - ước tính nhu cầu dầu của Trung Quốc trong 2 tuần đầu tháng 2 đã giảm khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, tức giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bloomberg, các nhà sản xuất lớn cũng đang thảo luận về việc có nên lên lịch một cuộc họp cấp bộ trưởng khẩn cấp trong tuần cuối tháng 2.
Có thông tin cho biết cuộc họp có thể sẽ đi đến quyết định cắt giảm sản lượng lên tới 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nguồn cung thế giới. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du khách Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng chi tiêu cho du lịch năm 2018, trong khi chính Trung Quốc là điểm đến phổ biến thứ 4 trên thế giới. Dù vậy, Covid-19 sẽ thay đổi cả 2 số liệu này trong năm 2020. Điều đó cũng tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu khó phục hồi
Giá dầu khó phục hồi
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm thị trường xăng dầu thế giới ảm đạm. Nỗi lo dư cung bao trùm khắp các thị trường thế giới và “cắt giảm sản lượng” là cụm từ phổ biết nhất hiện nay đối với OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác (như Nga đã phải xem xét đề xuất giảm sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày).
Theo Reuters, giá dầu thô Brent từ đầu tháng 2 tới nay đã giảm khoảng 19% so với tháng trước, xuống thấp hơn mức 55-57USD/thùng - mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Cụ thể, giá dầu West Texas intermediate đã giảm hơn 20% vào ngày 17-2, xuống mức 50,11USD/thùng. Tính đến ngày 19-2, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 đứng ở mức 51,96USD/thùng, giảm 0,09USD/thùng trong phiên. Giá dầu có xu hướng giảm nhẹ khi lo ngại nguồn cung hàng hóa trên toàn cầu bị gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19.
Đầu năm 2020, các nước xuất khẩu dầu mỏ từng lạc quan, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện, sau khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nhưng sự bùng phát của Covid-19 đã trở thành mối đe dọa mới với tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Tuy vậy, dù Covid-19 đã tác động mạnh đến sản lượng dầu, nhưng từ giữa tháng 2 số lượng tàu lớn chuyên chở hàng hóa đến Trung Quốc đang tăng lên, là tín hiệu tốt để làm nóng dần thị trường đang ảm đạm.
Nguyên nhân do các công ty tinh chế tư nhân đang tận dụng khoảng thời gian giá dầu thô giảm để mua nhiên liệu. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành xây dựng và thu mua cho kho dự trữ chiến lược, tương tự như kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ. Trung Quốc đang tận dụng khoảng thời gian giá dầu tụt giảm để đẩy mạnh mua dầu dự trữ lâu dài, giảm việc nhập khẩu khi giá tăng cao trở lại.
Với Covid-19, Trung Quốc năm 2020 rất khác so với Trung Quốc năm 2003 với đại dịch SARS. Theo IEA, mức tiêu thụ dầu hiện nay của Trung Quốc cao gấp đôi so với năm 2003, và quốc gia này chiếm hơn 3/4 mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu. Trong 17 năm qua, Trung Quốc cũng đã liên kết chặt chẽ hơn với OPEC và đồng minh Nga trong những hoạt động kinh tế.
Theo Bloomberg, Trung Quốc là nguồn tăng trưởng nhu cầu chính của thị trường dầu mỏ. Nhưng với các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 như phong tỏa các thành phố từ nghỉ Tết Nguyên đán cho đến hết quý I, có khả năng kéo dài hết quý II, chắc chắn thị trường dầu thế giới sẽ còn lao đao và giá dầu sẽ khó phục hồi.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm thị trường xăng dầu thế giới ảm đạm. Nỗi lo dư cung bao trùm khắp các thị trường thế giới. “Cắt giảm sản lượng” là cụm từ phổ biết nhất hiện nay đối với OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác. |