Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, gọi là OPEC+, đã hoàn thành sứ mệnh khôi phục lại toàn bộ sản lượng dầu mỏ đã bị loại bỏ khỏi thị trường trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng liên quan đến đại dịch COVID-19, ít nhất là về mặt lý thuyết.
Đây là quyết định được đưa ra trong cuộc gặp của nhóm 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới vào tuần trước, nhằm hạ nhiệt thị trường năng lượng đang nóng lên từng ngày.
Theo đó, OPEC+ đồng ý bổ sung thêm tổng cộng 648.000 thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 8/2022. Với quyết định này, OPEC+ đã khôi phục lại toàn bộ mức sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày đã bị cắt giảm hồi tháng 4/2020.
* OPEC+ từ lâu đã không thể bơm nhiều dầu như cam kết
Tuy nhiên, có hai điểm đáng chú ý từ tuyên bố lần này. Đầu tiên, cuộc họp của OPEC+ diễn ra khá ngắn gọn. Nếu bạn nghĩ rằng các quan chức tham gia cuộc họp sẽ dành thời gian để lo lắng về một thế giới đang đứng trên bờ vực suy thoái, với giá nhiên liệu ở nhiều quốc gia tiêu thụ đạt mức cao mới, thì thực tế không phải.
Thứ hai, quyết định của OPEC+ là không đáng ngạc nhiên và đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là có vẻ như không mấy ai quan tâm đến thực tế là OPEC+ dường như không có khả năng bổ sung thêm nguồn cung với số lượng lớn như vậy.
Đó là bởi vì liên minh OPEC+ gồm 23 thành viên, bao gồm cả Nga, đang phải vật lộn để sản xuất đủ dầu nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu tăng cao trở lại trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, phương Tây đang có xu hướng “xa lánh” các thùng dầu từ Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine, đồng nghĩa với việc sẽ có ít dầu hơn trên thị trường.
Cho đến nay, hoạt động sản xuất thực tế của OPEC+ đã không còn phản ánh các mục tiêu đề ra. Do đó, bất kỳ sự thay đổi mục tiêu nào cũng sẽ không tác động nhiều đến sản lượng thực tế của OPEC+.
Theo dữ liệu từ OPEC, sản lượng tổng hợp của 20 quốc gia thuộc OPEC+, không tính Iran, Libya và Venezuela, trong tháng 5/2022 đã thấp hơn 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra.
Thực tế là OPEC+ đã không thể bơm nhiều dầu như đã cam kết trong hơn một năm qua và sản lượng của khối đang ngày càng tụt hậu so với mục tiêu đề ra theo từng tháng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tác động của hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Nga. Sản lượng dầu của Nga đã giảm hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 5/2022 so với thời điểm tháng Hai khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa nổ ra.
Tuy nhiên, Nga không phải là quốc gia duy nhất không thể bơm dầu tới mức cho phép. Trên thực tế, chỉ có hai thành viên OPEC+ đã đạt hoặc vượt mục tiêu sản xuất của họ trong tháng Năm.
Trong khi đó, Nigeria và Angola, hai nhà sản xuất lớn nhất châu Phi, chỉ có thể khai thác 3/4 lượng dầu thô mà họ được phép sản xuất.
Do đó, câu hỏi được đặt ra lúc này là sau khi đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ, OPEC+ sẽ làm thế nào để thực hiện chúng?
Một trạm bán xăng ở Washington, DC, Mỹ ngày 9/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
* Thiếu động lực để "hạ nhiệt" giá dầu
Trong bối cảnh giá dầu tăng cao và người dân đang phải chi trả nhiều hơn cho các hóa đơn năng lượng, có vẻ như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các quốc gia đồng minh chưa thể làm gì nhiều.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng vượt mức 5 USD/gallon trước khi giảm nhẹ vì những lo ngại suy thoái. Điều này đặt Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thế phải làm bất cứ điều gì có thể để hạ giá xăng dầu cho những người dân Mỹ đang gặp khó khăn, bao gồm cả việc thúc giục Quốc hội đình chỉ thuế xăng và dầu diesel.
Trong bối cảnh đó, OPEC có thể giúp hạ giá năng lượng bằng cách tăng sản lượng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giá cả sẽ thật sự hạ nhiệt trên thực tế. Heather Heldman, đối tác quản lý tại tập đoàn tư vấn Luminae Group, cho biết OPEC+ có rất ít động lực để tăng cường sản xuất ngay cả khi họ có thể làm điều này.
Có một điều dễ hiểu đó là OPEC+ sẽ dành sự quan tâm đến lợi nhuận kinh tế của họ chứ không phải tài sản chính trị của một nhà lãnh đạo nào đó ở nước ngoài, chuyên gia Heldman nói.
Ngoài ra, Tổng thống Biden đang lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên của mình tới Saudi Arabia trên cương vị Tổng thống và cả hai nước sẽ muốn công bố điều gì đó tích cực sau Hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Do vậy, từ quan điểm của Saudi Arabia, quốc gia đầu tàu của OPEC +, tổ chức này chưa có động lực để đưa ra bất kỳ quyết định có ý nghĩa nào vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, trong khi ông Biden muốn Saudi Arabia hành động quyết liệt để giảm giá dầu, thì phía Saudi Arabia lại muốn Tổng thống Mỹ đưa ra một thỏa thuận trọn gói, bao gồm các biện pháp hỗ trợ quốc phòng bổ sung từ phía Mỹ, để giúp vương quốc này trong các vấn đề tại Yemen.
Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đang căng thẳng. Mặc dù Mỹ không muốn Saudi Arabia xích lại gần Trung Quốc và Nga về mặt ngoại giao, nhưng nước này lại có rất ít đòn bẩy để kéo Saudi Arabia về phía mình.
Tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Mỹ đã đề xuất đưa ra giới hạn giá đối với dầu nhập khẩu của Nga để cố gắng hạ nhiệt thị trường năng lượng và giảm bớt nguồn thu của Nga.
G7 đã đồng ý áp đặt giới hạn với việc đưa ra các ràng buộc liên quan đến dịch vụ cần thiết để bán dầu như bảo hiểm và vận chuyển. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu họ tạo điều kiện cho việc bán dầu vượt trần.
Tuy nhiên, đề xuất này vẫn để ngỏ nhiều khía cạnh quan trọng và sẽ là một chủ đề quan trọng của các cuộc thảo luận trong những tuần tới.