Phải biến tấu trong xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) -Sau khi có Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, nhiều ý kiến nhận định những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành NH nói chung dần được tháo gỡ. 
Phải biến tấu trong xử lý nợ xấu
Tuy nhiên, khi nguồn cung quá nhiều và cầu hạn chế, các giải pháp sáng tạo để xử lý nợ và mạnh dạn thực hiện quyền kiện phá sản để thu hồi nợ của NH rất cần thiết.
Không nhất thiết bán quá rẻ
Trong một diễn đàn về ngành NH mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), nhận định từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước, do nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành NH được tháo gỡ.
Đầu tiên là vướng mắc về trách nhiệm pháp lý của người cho vay. Lâu nay, khi quan hệ dân sự vay trả tới hồi thu không đủ nợ gốc và cả lãi, dễ phát sinh chuyển thành quan hệ hình sự, và theo pháp luật điều này dễ thất thoát tài sản. Nhưng Nghị quyết 42 cho phép bán dưới giá trị, đã tạo động lực cho các NH cũng như VAMC tự tin trong xử lý nợ.
 Để xử lý nợ xấu, các bên có liên quan, đặc biệt là NHTM và các khách hàng, phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ mới có thể kịp tiến độ. Đồng thời, muốn phát triển thị trường nợ xấu hay nợ bình thường sau này theo giá thị trường, Việt Nam cần phải xây dựng một thị trường mua bán nợ thực sự.
TS. CẤN VĂN LỰC,
chuyên gia tài chính NH
Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu thường gặp khó khăn vì tài sản đảm bảo (TSĐB) bị vướng không bán được. Nghị quyết 42 đã cho phép bán dưới giá không phải chịu trách nhiệm. Như vậy, nếu trước đây tài sản thế chấp trị giá 50 đồng được đẩy giá lên 100 đồng để cho vay 70 đồng, các NH không dám bán vì lo thất thoát tài sản, nay có thể mạnh dạn bán để xử lý nợ. Điểm tích cực nữa là các khoản nợ xấu từ giai đoạn trước 2015 đã được các NH trích lập dự phòng đầy đủ, nên không nhất thiết bán quá rẻ.
Phải có giải pháp sáng tạo
Dù vậy, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng cơ chế xử lý nợ xấu đã có, vấn đề còn lại tùy thuộc thị trường, tùy thuộc người bán. Trên thực tế, nhiều TSĐB của nợ xấu đã tung ra nhưng không có nhiều người mua. TSĐB hiện nay chủ yếu liên quan đến bất động sản nên gặp khó khăn về thủ tục, nhất là với những bên mua liên quan đến yếu tố nước ngoài, trong khi nguồn lực trong nước không có tiền để mua. 
Để xử lý nợ xấu có giá trị khủng, một giải pháp “sáng tạo” được Sacombank áp dụng là bán trả chậm. Cụ thể, NH bán TSĐB trị giá 9.200 tỷ đồng nhưng chỉ nhận đặt cọc 10%, số còn lại được thanh toán trả chậm trong 7 năm, ân hạn trong 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%. Hình thức xử lý nợ xấu này thực hiện đúng luật, vì đó là quyền thỏa thuận, cho vay thế chấp ngược lại. Đây là một cách tái cấu trúc, biến nợ xấu trở thành khoản vay mới, không ảnh hưởng đến nền kinh tế, không tạo khó khăn cho NH.
Nếu sau thời hạn thanh toán trả chậm, bên mua TSĐB không trả được nợ, NH cũng không mất gì vì NH không đưa tiền nhưng vẫn lấy được 10% tiền cọc, khoản vay mới cũng không dính vào nợ xấu. NH chỉ việc thu lại TSĐB và tiếp tục phát mãi. Nhưng trường hợp này chỉ thu hút được nhà đầu tư tham gia khi dự án BĐS đó khả thi để triển khai, còn nếu không khả thi cũng khó có người mua. 
Ngoài ra, việc bán TSĐB nợ xấu hiện còn đặt trong mối quan hệ tay ba giữa con nợ thế chấp, NH và VAMC. Về nguyên tắc, NH chuyển nợ sang VAMC nhưng vẫn có trách nhiệm giữ TSĐB, còn VAMC ghi giấy cho NH nhưng không đưa tiền cho NH.
Nay VAMC cũng được phép trực tiếp bán TSĐB, nên để đạt được thỏa thuận tay ba khi xử lý một TSĐB sẽ không dễ dàng, vì mỗi bên đều tính đến lợi ích riêng của mình. 
Vấn đề nữa là khối lượng nợ xấu quá lớn gắn với tài sản bất động sản, nhưng phần lớn lại là bán thành phẩm, các dự án thế chấp vay vốn chỉ mới đền bù một phần, còn dang dở nên bên mua nợ sẽ ngại những thủ tục tiếp theo.

Kiện phá sản chưa chắc thu được nợ
Liên quan đến nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định trong trường hợp DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ, NH thực hiện thu nợ/siết nợ theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có các giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bổ sung nguồn vốn để có nguồn trả nợ TCTD, phá sản DN…
Hiện nay, khi xử lý nợ xấu của DNNN phải xem xét tài sản đó là Nhà nước giao hay do DN mua, nếu tài sản do DN mua, Nhà nước không can thiệp. 
Thông thường, tài sản DNNN đem thế chấp là của DNNN đã có quyền sử dụng, còn tài sản của Nhà nước chưa có quyền sử dụng nên không thế chấp được. Quan điểm của Chính phủ là trong công ty TNHH vốn của nhà nước chừng đó, nếu DN thua lỗ phải bán để trả nợ hết, tức chấp nhận mất hết, không bỏ tiền để bù nữa.
Trường hợp DNNN không muốn bán để trả nợ, chủ nợ là NH phải đi kiện phá sản để đòi tài sản theo Luật Phá sản. Nhưng các NH lại không thực hiện quyền này, vì nhiều con nợ đã phá sản vẫn không thể trả hết nợ cho NH. Vì vậy, nhiều NH thà để nợ xấu đó không xử lý để tài sản còn ghi có khoản nợ này.

Các tin khác