Chính sách phải đúng trọng tâm, hiệu quả đo đếm được
Theo tính toán của Chính phủ, ước tính giá trị thực tế của gói chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội là 346.000 tỷ đồng, khoảng 4,28% GDP.
Để có nguồn lực thực hiện chương trình, Chính phủ trình Quốc hội tăng bội chi ngân sách, với tổng số tiền 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.
Đóng góp cho gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, hầu hết các ĐB Quốc hội đều ủng hộ nhưng bày tỏ quan điểm chính sách cần đi đúng vào đối tượng cần được hỗ trợ và hiệu quả phải được đo đếm.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đặt vấn đề: Hiệu quả thực tế mà đề án cần phải đạt được đó là hơn 346.000 tỷ đồng chúng ta sẽ thu lại được kết quả cụ thể gì?
Đồng thời cho rằng, với mục tiêu như vậy cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết, nội dung này chưa được cụ thể hóa (dù có đặt mục tiêu là tăng trưởng GDP 6,5-7%; phục hồi sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội). Nếu không có cam kết về những kết quả đạt được khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này.
Bà Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần bổ sung thêm các nội dung: “Thứ nhất, đó là đối tượng áp dụng chính sách. Thứ hai về thời hạn hoàn thành. Thứ ba các quy định cụ thể về trách nhiệm. Thứ tư quy định về thẩm quyền. Thứ năm quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc. Thứ sáu cần bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra, gắn với nội dung nghị quyết”.
Theo ĐB Trần Đình Văn, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, dự thảo nghị quyết quy định áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù với các “dự án có tầm chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn”. Tuy nhiên, trong phần Phụ lục VII (danh mục dự án dự kiến đầu tư) liệt kê rất nhiều dự án, có những dự án quy mô đầu tư rất nhỏ, không phù hợp với mục tiêu đề ra.
Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể cần có các tiêu chí xác định thế nào là dự án có tầm chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn và liệt kê rõ các dự án thuộc phạm vi có thể áp dụng cơ chế đặc thù (như các dự án có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và triển khai nhanh…).
Chống trục lợi chính sách
Vấn đề chống lạm dụng, trục lợi chính sách cũng được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự thảo nghị quyết cuối tuần qua. ĐB Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn ĐB tỉnh Thanh Hóa cho rằng, gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải...
Việc này nhằm tránh nguồn vốn hỗ trợ không vào lĩnh vực sản xuất cốt lõi mà chảy vào đầu tư tài chính, bất động sản. ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) lưu ý, Chính phủ cần có cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp móc nối với ngân hàng hoặc ngân hàng “ưu tiên” cho doanh nghiệp “sân sau”; đồng thời có giải pháp tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch lãi suất hoặc để đáo nợ.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, để đạt được mục tiêu phòng chống tham nhũng, chống lợi dụng chính sách trục lợi, lợi ích nhóm cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Trong đó, dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định về chế độ báo cáo, thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đến ĐB Quốc hội, Đoàn ĐB Quốc hội...
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Chính phủ đã nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ nhu cầu tăng trưởng, phát triển bền vững lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế; chính sách tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần thiết.
Vấn đề quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, ngành và đề nghị các ĐB Quốc hội sẽ phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương mình sinh sống, ứng cử và làm việc.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay, chuyển nhượng chứng khoán được áp mức thu 20% thuế thu nhập, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán; đối với bất động sản, doanh nghiệp chịu mức thuế 20% trên thu nhập, cá nhân 2% trên giá trị hợp đồng bán từng lần.
Hiện nay thị trường chứng khoán đang rất tốt và là kênh huy động vốn tốt cho nền kinh tế. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định về thuế và tới đây sẽ tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Với bất động sản cá nhân, sẽ yêu cầu nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu.
Giải pháp tài khóa: Tổng quy mô là 291.000 tỷ đồng, trong đó tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240.000 tỷ đồng bao gồm: giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000 tỷ đồng; chi trực tiếp từ NSNN là 176.000 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng…). Cùng với đó là khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; 6.000 tỷ đồng gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; tăng thêm tối đa 38.400 tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên… Giải pháp tiền tệ: Sử dụng khoảng 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm. Các giải pháp khác 10.000 tỷ đồng: Sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ… Tác động: Bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP/năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP; nợ Chính phủ 45-46% GDP... |