Phải có đơn vị xếp hạng để hạn chế rủi ro

(ĐTTCO) - Việc Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có hiệu lực từ 1-2-2019 với nhiều quy định nới lỏng (thí dụ như bỏ điều kiện DN muốn phát hành phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành), đã khiến quy mô thị trường TPDN trong những tháng đầu năm tiếp tục được mở rộng. 
Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, phải chăng do siết tín dụng hay nới lỏng điều kiện của Nghị định 163 nên nhiều DN tranh thủ phát hành TPDN và cuộc cạnh tranh đưa lãi suất lên cao?
TS. LÊ ĐỨC KHÁNH: - Thực ra việc DN đẩy mạnh phát hành TPDN không chỉ sôi động ở 8 tháng đầu năm 2019, mà thị trường TPDN đã sôi động từ cuối năm 2017 cho đến nay, trong đó phát hành theo hình thức riêng lẻ tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn so với các loại hình trái phiếu thu nhập cố định khác. Nếu như năm 2017 giá trị TPDN phát hành khoảng 115.410 tỷ đồng, thì năm 2018 con số này là 146.039 tỷ đồng, và theo thống kê đến hết tháng 7-2019 giá trị khoảng 75.000 tỷ đồng. 
Phải có đơn vị xếp hạng để hạn chế rủi ro ảnh 1
Theo thống kê của FiinPro (trang dịch vụ chuyên cung cấp các dữ liệu tài chính - PV), có 623/1.615 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 khởi sắc, trong đó nhóm DN niêm yết thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) có mức tăng trưởng lợi nhuận xếp thứ 3 với mức tăng 43,8% so với cùng kỳ 2018.
Điều này đồng nghĩa cơ hội đang hiện hữu đối với các doanh nghiệp BĐS và họ cũng chớp thời cơ trong việc huy động vốn bằng TPDN để triển khai các dự án. Minh chứng là đa số các TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ từ năm 2018 đến nay đến từ các DN BĐS như: CTCP Đất Xanh (DXG), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Vinhomes (VHM), CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC)... 
Song đặc điểm của các DN BĐS là tỷ lệ nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu rất cao, thậm chí cao hơn cả nợ dài hạn bởi nhu cầu vốn phát sinh trong quá trình phát triển và kinh doanh BĐS. Đây cũng là điều dễ hiểu khi DN cần vốn nên công cụ đòn bẩy được sử dụng triệt để hơn.
- Theo ông trong các đợt phát hành vừa qua, đối tượng mua trái phiếu đến từ đâu?
- Theo thống kê của chúng tôi, đối tượng chính mua TPDN phát hành đến từ các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng. Một số công ty chứng khoán như: TCBS, VPS cũng là đối tượng mua và phân phối lẻ cho các cá nhân có điều kiện. Dù sao đi nữa, những ngân hàng lớn chính là các “tay chơi” lớn trên thị trường TPDN, bởi tiềm lực tài chính mạnh và có thể giải ngân ngay khi đánh giá tài sản đảm bảo. 
- Tiềm năng của dự án BĐS thường là trong tương lai, vì thế rất khó đánh giá hết được tính khả thi và hiệu quả, như vậy rủi ro vẫn tiềm ẩn cao. Như vậy nhà đầu tư trái phiếu, nhất là cá nhân phải chấp nhận mua rủi ro đó. Ông nghĩ sao về điều này? 
- Thông thường, các DN BĐS có nhu cầu và phát hành TPDN thành công là DN có thương hiệu, danh tiếng; có hoạt động kinh doanh ổn định hoặc chí ít cũng phải được “bảo kê” bởi các tổ chức có tiềm lực lớn. Đương nhiên, trái phiếu đến tay các cá nhân thường được các đơn vị trung gian xé lẻ bán lại, và đa số là những trái phiếu có chất lượng cao, được bảo lãnh.
Tất nhiên, với vai trò nhà đầu tư, chúng ta vẫn được khuyến nghị kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng trái phiếu, tổ chức phát hành, đơn vị bảo lãnh và tương lai xa hơn là cần vai trò của đơn vị xếp hạng trái phiếu để hạn chế rủi ro.
- Ông có khuyến cáo gì với những nhà đầu tư khi tham gia mua TPDN?
- Trong một số thời điểm, đầu tư vào trái phiếu cũng khá hợp lý khi mà các nhà đầu tư không có kênh đầu tư nào tốt hơn. Lợi suất trái phiếu mặc dù không quá cao nhưng hợp lý và thường cao hơn lãi suất tiết kiệm. Điều duy nhất cần chú ý đó là thời hạn của trái phiếu, chất lượng, lãi suất cũng cần đưa lên bàn cân. Đầu tư vào trái phiếu có thể ít rủi ro hơn cổ phiếu. 
Đối với các TTCK phát triển, TPDN cũng đa đạng và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Nhưng đối với TTCK Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có ít hơn các lựa chọn. Dù vậy, kênh đầu tư trái phiếu vẫn là lựa chọn hợp lý trong bối ảnh nhiều TPDN có lãi suất cao như hiện nay. Tất nhiên, điều nên làm là các nhà đầu tư vẫn cần kiểm tra kỹ lưỡng doanh nghiệp phát hành, tình hình sản xuất kinh doanh, tiềm năng của dự án... trước khi giải ngân.
- Xin cảm ơn ông.
 Ông DON LAM, Tổng giám đốc vinacapital
Lo ngại TPDN không đúng bản chất

Việc dùng quá nhiều vốn vay ngân hàng rất nguy hiểm cho hệ thống tài chính, nhất là vốn trung và dài hạn. Đã vậy rất nhiều DN Việt Nam có dự án dài hạn nhưng vốn vay lại ngắn và trung hạn. Do vậy thị trường TPDN rất cần phát triển để DN huy động vốn dài hạn. Song cái thiếu hiện nay là hệ thống pháp lý và Việt Nam cũng chưa có công ty xếp hạng tín nhiệm để giúp triển thị trường TPDN phát triển. Và điều  lo ngại là TPDN hiện nay không đúng bản chất của TPDN. 
Thông thường, ở nước ngoài DN phát hành TPDN tập trung vào lĩnh vực sản xuất, còn ở Việt Nam chủ yếu (80%) vào địa ốc bởi khi lĩnh vực kinh doanh BĐS bị hạn chế tín dụng. Do vậy người mua TPDN có lãi suất 14% phải suy nghĩ lý do vì sao DN phát hành đưa lãi suất như vậy? Phải chăng vì họ không vay được chỗ nào khác? Một dự án phải vận hành 3-4 năm mới xong, nghĩa là họ phải làm sao trong thời gian đó phải có lãi trong kinh doanh để trả lãi cho người mua.
Tóm lại, muốn phát triển thị trường TPDN lại hạn chế rủi ro, phải có đơn vị đánh giá định mức tín nhiệm, trong khi ở Việt Nam hiện nay không có. Nếu có công ty A hay B đánh giá tín nhiệm họ sẽ chịu trách nhiệm, giống như công ty kiểm toán chịu trách nhiệm về những con số trong báo cáo tài chính của công ty được kiểm toán. Còn nếu TPDN phát hành ra không có ai kiểm tra, người mua TPDN không biết tốt hay xấu, xem như tiền bỏ vào “rổ” rủi ro. 

Các tin khác