PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nghĩ sao về sự ưu ái cho DN bán lẻ ngoại, trong khi chưa chắc họ đầu tư lâu dài tại Việt Nam?
Ông VŨ VINH PHÚ: - Thông tin mới nhất trong mảng bán lẻ mấy ngày qua là việc 8 siêu thị thuộc hệ thống Queenland mart (thuộc CTCP Thực phẩm Bông Sen) được chuyển thành Vinmart. Đây là thương vụ thâu tóm tiếp theo của Vingroup trong nhiều tháng qua để thực hiện tham vọng mở rộng TTBL của mình.
Thực tế, TTBL Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, khi hầu hết thương hiệu bán lẻ lớn của nước ngoài đều đã có mặt ở khắp phân khúc từ đại siêu thị (kết hợp mua sắm, giải trí), siêu thị đến chuỗi cửa hàng bán lẻ (CHTL). Và khi có nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ rất quyết liệt và việc M&A là bình thường.
Trước đây chủ yếu nhà bán lẻ ngoại mua nội, ngoại mua lẫn nhau, gần đây nhiều DN nội với tiềm lực tài chính tốt đã mua lại các chuỗi ngoại (điển hình như Saigon Coop mua lại Auchan, Vingroup mua lại chuỗi CHTL Shop and Go…).
Điều đáng lưu ý trong các thương vụ M&A cũng như sự rút lui của nhiều thương hiệu ngoại đó chính là tính minh bạch. Minh bạch về vấn đề chuyển giá trong quá trình hoạt động, về thuế chuyển nhượng…
Thí dụ, việc Metro suốt mười mấy năm hoạt động tại Việt Nam chỉ có lỗ nhưng vẫn mở rộng. Sau này khi kiểm tra Metro bị thu nộp tiền chuyển giá và thuế hơn 500 tỷ đồng. Hay Lotte cũng báo khoản lỗ khủng nhưng do họ đơn phương thông báo chưa có kiểm toán xác nhận. Điều này tạo tiền lệ báo lỗ tràn lan.
Ngay cả một vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam còn nói các siêu thị toàn lỗ. Hoàn toàn không phải như vậy, phải qua kiểm toán mới nói được nếu không dễ bị lợi dụng. Saigon Coop, Vingourp, Hapro… đã có lãi, tại sao lại nói tất cả lỗ.
Hiện nay đã qua thời được ưu đãi mạnh về thuế, nhưng ưu đãi về đất đai vẫn rất rõ nét (ngay cả nhà đầu tư Thái khi mua lại Metro hay Big C có lẽ họ cũng nhắm đến những ưu đãi này). Những thương hiệu ngoại như AEON, Big C, Lotte vẫn chiếm được những vị thế đẹp, trong khi các DN nội rất chật vật trong việc tìm kiếm mặt bằng.
Tôi được biết ở một TP khu vực phía Bắc còn chủ động làm đường khi siêu thị AEON xuất hiện. Điều này liệu có xảy ra khi siêu thị nội mở hay không. Một phần lý do để nhiều tỉnh/thành ưu ái có lẽ là tâm lý sính ngoại, tỉnh thành nào cũng muốn có những nhà bán lẻ lớn của ngoại.
- DN ngoại nào khi vào Việt Nam (dù qua phương thức M&A hay tự đầu tư) cũng cam kết mở chuỗi khủng. Điều này liệu có nói lên cam kết lâu dài của họ, thưa ông?
- DN nào cũng vậy, khi vào đầu tư luôn đưa ra những kế hoạch hết sức hấp dẫn. Nhưng hãy xem cái họ làm, xem họ mang lại gì cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam. Theo tìm hiểu của tôi, nhà sản xuất Việt Nam phải chịu rất nhiều chèn ép nếu muốn đưa hàng vào các chuỗi siêu thị ngoại.
Thậm chí như Big C đột ngột ngưng nhập hàng của nhiều DN may mặc trong nước, phải đến khi Bộ Công Thương yêu cầu, họ mới nhập hàng trở lại. Theo tôi, Big C đã nhận được quá nhiều ưu ái của nhiều cơ quan chức năng, nhưng họ lại đối xử với nhà cung cấp một cách thiếu công bằng.
Chuyện chiết khấu, làm việc giữa nhà cung cấp và hệ thống bán lẻ là cơ chế thị trường, là thỏa thuận, hợp đồng, nhưng nhà cung cấp Việt Nam ngồi ký hợp đồng trong thế yếu làm sao đảm bảo công bằng. Hàng hóa nội không vào nổi chuỗi siêu thị ngoại, hàng hóa ngoại đương nhiên sẽ có lợi, nhất là khi nhiều dòng thuế về 0% theo các hiệp định song phương, đa phương.
Ảnh minh họa.
- DN ngoại được ưu ái nhưng DN nội trong cuộc chiến bán lẻ này thì sao, thưa ông?
- Những năm gần đây DN nội đã không ngừng lớn mạnh, thậm chí thâu tóm ngược lại nhiều chuỗi bán lẻ ngoại làm ăn thua lỗ ở thị trường Việt Nam. Song bán lẻ nội dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi họ làm ăn tử tế với các nhà cung cấp trong nước, như Vinmart đã tuyên bố giảm chiết khấu về mức 0% cho các DN cung cấp sản phẩm tươi sống trong 1 năm.
Theo góc nhìn của tôi, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ DN trong nước làm ăn tử tế. Tất nhiên hỗ trợ để DN lớn mạnh, không phải hỗ trợ rồi DN bán đi (chuyện này đã từng xảy ra với một số tập đoàn bán lẻ nội trước đây như Phú Thái, Fivimart). Bởi lẽ, DN nội được hỗ trợ lại bán cho nước ngoài, vô hình chung lại chăm chút cho DN FDI.
Một vấn đề tưởng cũ nhưng cũng phải nhắc lại, là bên cạnh sự đồng hành của Nhà nước, các DN trong nước cũng phải liên kết với nhau. Không chỉ các chuỗi bán lẻ liên kết, nhà sản xuất - nhà bán lẻ cũng phải liên kết với nhau mạnh hơn nữa.
Thị trường khó nhưng cũng có đến hơn phân nửa nguyên nhân do tự mình hại mình rồi mới đến tác động của các đối tác bên ngoài.
- Ở đây đặt ra sự minh bạch trong quản lý thuế, theo ông nên làm như thế nào để công bằng cả DN nội và ngoại ngành bán lẻ?
Hiện nay nhiều thương hiệu ngoại như AEON, Big C, Lotte vẫn chiếm được những vị thế đẹp, trong khi các DN nội rất chật vật trong việc tìm kiếm mặt bằng. |
Đề xuất này đã được Vụ quản lý thuế, các DNVVN chấp thuận trong buổi làm việc với cơ quan thuế. Theo đó, từ tháng 9 cơ quan thuế sẽ tổ chức kết nối thí điểm ở Hà Nội và TPHCM mỗi TP 50 đơn vị kinh doanh dịch vụ, siêu thị, nhà hàng, TTTM, sau đó sẽ nhân rộng ra tất cả đơn vị trong năm 2020. Có điều, quy định thí điểm này sẽ có những phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, các chuyên gia, nhà quản lý...
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được đó là các đơn vị làm ăn chân chính sẽ rất hoan nghênh, cái lợi về lâu dài cho DN rất rõ. Theo đó, họ không phải trao đổi thông báo, thương lượng về doanh thu với cán bộ thuế, không tốn thời gian đi lại báo cáo với cơ quan thuế, không bị ép doanh thu một cách giả tạo như trước đây.
Chi phí để trang bị máy tính tiền, phần mềm quản lý thuế cũng không phải tốn kém. Nhà quản lý thuế cũng không phải mất nhiều công sức để quản lý các DN.
- Xin cảm ơn ông.