Từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã qua 25 kỳ điều hành, trong đó có 15 lần tăng, chỉ 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá. Mặc dù tại kỳ điều hành ngày 11-9, các loại xăng được giữ nguyên giá, nhưng đã có 6 kỳ tăng giá liên tiếp, nên hiện tại giá xăng ở mức gần 25.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu leo thang trong thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu đua tăng giá. Nếu kỳ điều hành chiều 21-9, giá xăng tiếp tục tăng 1.000 đồng/lít như dự báo, lên mốc gần 26.000 đồng/lít, sẽ gây nên cú sốc với người tiêu dùng.
Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai Quỹ bình ổn giá đến hết tháng 6-2023 đã có số dư 7.424,7 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng trong quý 2, tổng mức trích lập vào quỹ lên tới 1.779,2 tỷ đồng, nhưng tổng mức chi chỉ có 5,91 tỷ đồng.
Riêng mặt hàng xăng, từ ngày 13-2 đến tận ngày 11-9 mới chỉ có một lần xả quỹ (vào ngày 11-9), nhưng mức xả gần như không thấm (22 đồng/lít với xăng A95 và 14 đồng/lít với xăng A92).
Nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị, kỳ điều hành chiều 21-9, cơ quan điều hành cần mạnh tay chi sử dụng quỹ để giá xăng dầu không tăng quá cao như dự báo. Nếu không, sẽ lúng túng trong điều hành kinh tế vĩ mô, bởi thị trường cuối năm thường có xu thế tăng giá.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Điều khiến dư luận hiện nay tiếp tục đặt ra câu hỏi, là nên sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả. Sự bất ổn của quỹ này ở chỗ, thực chất quỹ (tiền) đang nằm ở chính doanh nghiệp và doanh nghiệp chỉ định kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý.
Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể rút ra để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác, còn số tiền thực của quỹ thì cơ quan quản lý không nắm chắc. Vì lẽ đó, các chuyên gia kinh tế nhiều lần đề nghị bỏ quỹ bình ổn để xăng dầu có giá sát thị trường, thực sự vận hành theo cơ chế thị trường.
Bộ Tài chính cũng từng đề xuất bỏ quỹ này hoặc đề xuất giao một đầu mối quản lý, bởi có quá nhiều ý kiến đánh giá quỹ hoạt động không hiệu quả. Việc bỏ quỹ cũng giúp tránh nguy cơ hàng ngàn tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích, trong khi đây lại chính là số tiền do người tiêu dùng đóng góp thông qua tích cóp vào giá xăng dầu (trả trước) mà có.
Trong trường hợp vẫn muốn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải có biện pháp chặt chẽ để kiểm tra việc doanh nghiệp trích tiền vào quỹ và phải phân rõ trách nhiệm.
Đồng thời, cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ số tiền này và phải liên tục tổ chức hậu kiểm số tiền đã trích lập quỹ, không thể chỉ nhận báo cáo bằng số liệu từ doanh nghiệp như hiện nay được.