Phải nhận diện được khâu trọng yếu để giải bài toán đầu tư công

(ĐTTCO) - Theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế và quản trị cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bệnh chậm trễ trong đầu tư công đã kéo dài nhiều năm, song để “bắt bệnh” và “trị bệnh” cần phải nhận diện được khâu trọng yếu nào để giải quyết.
Cầu Nhơn Trạch nối TP Thủ Đức (TPHCM) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cây cầu nằm trong dự án đường Vành đai 3 TPHCM đang được thi công, xong bên phía Đồng Nai vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong.
Cầu Nhơn Trạch nối TP Thủ Đức (TPHCM) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cây cầu nằm trong dự án đường Vành đai 3 TPHCM đang được thi công, xong bên phía Đồng Nai vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong.

PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, việc chậm trễ trong ĐTC ở Việt Nam đã được nói đến rất nhiều, thậm chí có ý kiến cho rằng đây là “căn bệnh trầm kha” rất khó có thuốc đặc trị. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà VŨ HOÀNG QUYÊN: - Đúng là các “căn bệnh” trong ĐTC được đề cập rất nhiều. Vấn đề đặt ra là khi “bệnh” nhiều quá, gỡ cái nào trước, cái nào sau. Theo tôi, ĐTC ở Việt Nam đang có 3 điểm nghẽn chính cần phải được tháo gỡ. Thứ nhất, đó là quy trình phê duyệt dự án do chất lượng đầu vào chưa được tốt. Vấn đề này Việt Nam có thể tham khảo bài học từ Trung Quốc, khi quốc gia này đã xây dựng hệ thống quy hoạch đến cấp phép.

Thứ hai, cách thức lập kế hoạch đấu thầu còn có những điểm không theo kịp thông lệ quốc tế. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam hiện nay phải thiết kế được công tác lập kế hoạch đấu thầu chiến lược dựa trên những thông tin phân tích thị trường, như dữ liệu đánh giá của toàn bộ những gói thầu mà chúng ta đã làm, và dựa trên việc đúc rút những kinh nghiệm từ giai đoạn trước.

Thứ ba, chính sách và thể chế không đồng bộ. Thực tế cho thấy, cùng một thể chế, chính sách có những đơn vị, địa phương quản lý tốt, nhưng cũng có những đơn vị, địa phương bộc lộ nhiều yếu kém, chậm trễ.

Do vậy phải tập trung vào những nơi yếu kém hơn để có giải pháp xử lý. Việc này phải dựa trên thông tin, dữ liệu, đánh giá, cập nhật thường xuyên, thí dụ như hệ thống TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc - Treasury And Budget Management Information System), hay hệ thống quản lý dự án ĐTC của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT). Bên cạnh đó, Việt Nam nên áp dụng thêm công nghệ để giám sát việc triển khai các dự án.

Tôi được biết trong quy hoạch tổng thể quốc gia có đặt vấn đề về liên kết vùng, đưa ra khái niệm mới là “4 vùng động lực”, hay “liên kết theo hành lang kinh tế”. Song hiện vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn về mặt pháp lý, cơ chế cho liên kết vùng. Quốc hội hiện đang xây dựng một luật để sửa nhiều luật và kỳ vọng luật này sẽ xử lý được vướng mắc trong liên kết vùng để việc liên kết đầu tư được thuận lợi.

- Như bà đã từng đề cập việc chậm trễ trong triển khai ĐTC ở Việt Nam sẽ đưa đến những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, bà có thể nói rõ hơn?

- Đúng là hậu quả của việc chậm triển khai các dự án ĐTC sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Tính riêng trong 5 năm gần nhất (giai đoạn từ 2017 – 2022), ngân sách đầu tư thực hiện ĐTC ở Việt Nam luôn thấp hơn dự toán trước đó lập ra, chỉ giải ngân được trung bình 77% dự toán phân bổ. Trong khi chênh lệch lớn giữa số dự toán và số thực giải ngân rất cao, lên đến 23%. Kèm theo đó là tình trạng chi đầu tư bị chuyển nguồn ở mức cao, cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia khác và cách xa so với thông lệ quốc tế dưới 5%.

Một trong những nguyên nhân là do các dự án ĐTC chậm tiến độ, khiến cho các dự án bị đội vốn ở mức cao hơn dự toán ban đầu. Theo đánh giá gần đây của WB về một số dự án giao thông quy mô lớn, chậm tiến độ bình quân lên đến 5 năm, mức đội vốn bình quân lên đến gấp đôi so với dự toán kinh phí ban đầu ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách.

Bên cạnh đó, hiệu suất đầu tư còn thấp do trùng lặp trong phân bổ, thách thức trong triển khai, tác động ngoại ứng tiêu cực, huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân chưa tối ưu.

- Có ý kiến chuyên gia cho rằng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung, của từng địa phương nói riêng thấp. Phải chăng ĐTC cũng cần phải có sự phân bổ “liều lượng” nguồn vốn thích hợp?

- Thực tế giai đoạn tích lũy vốn của Việt Nam vẫn còn khá dài ở chặng đường phía trước. Bài học từ các nền kinh tế có những bước tăng trưởng thần kỳ và thành công, đặc biệt là những nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, cho thấy các quốc gia này vẫn duy trì liên tục một mức ĐTC trên GDP tối thiểu là 7% từ 25-30 năm, và tích lũy vốn đầu tư là chỉ số quan trọng nhất trong giai đoạn phát triển thần kỳ của họ.

Việt Nam cũng đã có những thay đổi vượt bậc nhưng vẫn đang ở giai đoạn khó khăn. Để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải làm thế nào để không những duy trì được mức độ tích lũy vốn hiện nay, mà còn phải tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

Hiện Việt Nam phân cấp ngân sách cả về mặt tài chính lẫn thủ tục. Việc phân cấp này có những ưu điểm nhưng nó cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong việc phân bổ ngân sách từ trung ương đến địa phương. Tôi cho rằng hạn chế này xuất phát từ những “điểm nghẽn” trong Luật Ngân sách Nhà nước, cũng như cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Một vấn đề nữa là quản lý ĐTC của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu thiết kế, thực hiện. Chưa kể, tất cả những câu chuyện về định mức, đơn giá cũng còn có nhiều điểm hạn chế, cần phải khắc phục và có những thay đổi căn bản.

Hiện nay, việc đánh giá hiệu quả ĐTC có rất nhiều phương pháp, nhưng một phương pháp đơn giản nhất và đã được sử dụng nhiều năm qua là dựa vào chỉ số ICOR (chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư). Tất cả những nền kinh tế có tốc độ phát triển thần kỳ, trong giai đoạn tăng trưởng họ luôn duy trì được chỉ số ICOR tốt. Chính vì vậy, Việt Nam cần cải thiện ICOR, bởi đây là thước đo hiệu quả đầu tư công.

- Xin cảm ơn bà.

Theo đánh giá của WB, một số dự án ĐTC trong giao thông quy mô lớn, chậm tiến độ bình quân lên đến 5 năm, mức đội vốn bình quân lên đến gấp đôi so với dự toán kinh phí ban đầu ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách.

Các tin khác