Phải quyết liệt giải ngân đầu tư công mới mong vực dậy nền kinh tế

(ĐTTCO) - Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%, nhưng quý I tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Để tăng trưởng cả năm đạt được kỳ vọng như đã đề ra, đầu tư công được xem là động lực quan trọng.
Phải quyết liệt giải ngân đầu tư công mới mong vực dậy nền kinh tế

Nhìn vào tình hình tăng trưởng kinh tế quý I, có thể thấy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang sụt giảm mạnh, do ảnh hưởng của việc giảm các đơn hàng quốc tế. Xuất nhập khẩu, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang có xu hướng giảm.

Nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, trong đó ngành dịch vụ, du lịch có đà tăng tương đối mạnh. Về tổng quan, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng. Một trong số đó là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là cú hích cho ngành du lịch.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023. Dù vậy, động lực chính cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023 lại xuất phát từ đầu tư công.

Muốn vực dậy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, phải đến từ đầu tư công. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, trong đó, 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và các địa phương, đây là số tiền không nhỏ. Nếu quá trình giải ngân thành công, đây sẽ là yếu tố giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Hiện tại, đầu tư nước ngoài vẫn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Vốn FDI đăng ký mới giảm 38% và giải ngân giảm 4,9% trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, bất động sản. Như Nghị định 65 đã tháo gỡ một số vướng mắc liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép tính cả tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước trong tiền gửi của ngân hàng, để cải thiện tỷ lệ cho vay trên tiền gửi và mở rộng dư địa tín dụng của ngân hàng. Ngày 17-2, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất chương trình tín dụng trị giá 5 tỷ USD cho nhà ở xã hội, do 4 ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện.

Tuy vậy, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Việc ban hành Nghị định 65 là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, dù đã chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Lạm phát bình quân trong những tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Do vậy, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.

Như đã nói, đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tăng 6,5% trong năm 2023, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo được quá trình giải ngân.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu.

Các tin khác