Kinh tế tư nhân là động lực để quyết liệt cải cách chính sách

(ĐTTCO) - Thật khó hình dung một nền kinh tế sẽ ra sao nếu thiếu vắng trụ cột kinh tế tư nhân (KTTN), bởi đó là vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Ở các nước phát triển, khu vực KTTN chiếm tới hơn 85% GDP, là nền tảng và trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh.
Tổng Cục Thống kê cho biết, 51.400 DN rút lui khỏi thị trường chỉ sau 2 tháng đầu năm 2023.
Tổng Cục Thống kê cho biết, 51.400 DN rút lui khỏi thị trường chỉ sau 2 tháng đầu năm 2023.

Nhưng bức tranh KTTN ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại dường như đang dần mất động lực chăng?

Từ thể chế chính sách bất cập

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố mới đây, trong quý I, trung bình mỗi tháng cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (bình quân mỗi tháng chỉ có 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Không chỉ số lượng, mức đăng ký vốn của DN cũng có sự sụt giảm. Có tới 12/17 lĩnh vực sụt giảm về vốn đăng ký, trong đó có những ngành mũi nhọn như vận tải, kho bãi, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.

Nhận xét về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), cho rằng những con số này đang đi ngược với xu hướng và đáng lo ngại. Bởi thông thường DN thành lập mới bao giờ cũng nhiều hơn DN tạm dừng đóng cửa khoảng 1,7-1,9 lần tùy từng giai đoạn. Nhưng bất thường là 3 tháng đầu năm nay, số lượng DN tạm dừng hoạt động lại cao hơn số DN thành lập mới, cho thấy rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN rất lớn.

Nói về việc nhiều DN phải tạm dừng hoạt động, bà Thảo cho rằng yếu tố thể chế chính sách là những bất cập và rào cản dẫn tới sụt giảm niềm tin của DN. Đây là một trong những chỉ dấu có tính cảnh báo các cơ quan hoạch định chính sách cần sự thận trọng hơn trong việc đưa ra chính sách, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, củng cố lại niềm tin cho DN.

“Nền pháp lý của chúng ta không có sự phân biệt, nhưng trong hành động luôn có xu hướng quan tâm giải quyết các vấn đề của DN nước ngoài kịp thời hơn so với DN trong nước. Khi chưa quan tâm đến DN trong nước sẽ không thể củng cố được nội lực. Đây là bài học để các bộ, ngành địa phương phải chú trọng hơn, biết lắng nghe hơn và giải quyết các vấn đề cụ thể của DN, nhất là DN trong nước” - TS. Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Có thể thấy, những con số thống kê trên đã tô đậm thêm gam màu xám về bức tranh KTTN của Việt Nam, khi tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế này chưa đầy 40% vào GDP (trong khi các nước phát triển hơn 85%) với hơn 98% là DNNVV, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.

Đánh giá về sự èo uột của khối DNTN, là người hơn 20 năm gắn bó với cộng đồng DN, TS. Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nhìn nhận: “Thể chế nào sinh ra DN đó, như người xưa vẫn nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. DN là kết quả của thể chế. Nhưng ở chiều ngược lại, DN cũng là động lực để cải cách thể chế, để Nhà nước nhìn vào DN để biết phải làm gì, thực thi chính sách như thế nào. Thực tế cho thấy, năng suất của DNTN có xu hướng giảm từ những năm đầu 2000 đến nay.

Đến bất ổn từ nội tại

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, xét về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), hiện tại đang có xu thế đảo chiều giữa khu vực kinh tế nhà nước với khu vực KTTN. Nếu năm 2010, khu vực kinh tế nhà nước cần tới 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, khu vực KTTN chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này đang đảo ngược. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP, khu vực KTTN lại cần đến 23 đồng mới tạo ra 1 đồng GDP.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan (dịch Covid-19, thị trường biến động, chuỗi cung ứng đứt gãy do xung đột Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại…), không thể không nói đến bản thân nội tại của khu vực DNTN đang có vấn đề. Đó là bất ổn từ trong nội tại DNTN bộc lộ qua tính bấp bênh của các DNTN về bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua.

Những lĩnh vực chiếm dụng nhiều vốn của nền kinh tế nhất, song lại cũng là tác nhân chính gây ra những bất ổn cho nền kinh tế. Nhiều DN lớn lâm vào khó khăn, khủng hoảng, thậm chí bên bờ sụp đổ, nhiều đại gia ngậm ngùi tra tay vào còng. Thực trạng trên không khỏi khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với khối DNTN?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những nguyên nhân làm KTTN nói chung và DNTN nói riêng phát triển èo uột, méo mó, còn do sự bất cập trong cơ chế quản lý. Hệ quả đã sản sinh ra một bộ phận DNTN mới với tên gọi DN “thân hữu”.

Thực tế, trong quá khứ đã có các tập đoàn, tổng công ty hoạt động kém hiệu quả nhưng lại được bảo trợ từ các nhóm lợi ích. Đã có nhiều người tạo nên được sự nghiệp lớn, rồi vi phạm pháp luật bị đưa ra tòa, nhưng rồi do có những mối quan hệ gắn bó với những nhóm lợi ích, qua nhiều năm sự việc vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Sự khác biệt ở đây là ở giai đoạn trước những DN “thân hữu” tập trung chủ yếu vào DNNN (thí dụ Vinashin, Vinalines), nay DN “thân hữu” đã mở rộng sang cả khu vực DNTN. Nhóm DNTN “thân hữu” này nhờ những quan hệ nào đó được hưởng những ưu đãi, lợi ích mà DN khác không thể có được.

Rộng hơn, đây cũng là loại biến tướng, biến dạng của lợi ích nhóm, không chỉ làm khu vực KTTN méo mó, còn là nguyên nhân gây ra nhiều tác hại cho nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi theo cơ chế thị trường.

Yếu tố thể chế chính sách là những bất cập và rào cản dẫn tới sụt giảm niềm tin của DNTN. Nhưng không thể không nói đến bản thân nội tại của khu vực DNTN đang có vấn đề, bộc lộ qua DNTN về bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua.

Các tin khác