Kinh tế tư nhân còn những khó khăn riêng

(ĐTTCO)- - Cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu từ kinh doanh thúc đẩy các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển.
Kinh tế tư nhân còn những khó khăn riêng

Trải qua 35 năm đổi mới, đặc biệt từ Đại hội IX, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết ghi nhận và khẳng định vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương khóa XII và gần đây là Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ những định kiến đối với kinh tế tư nhân,...

Số lượng và chất lượng chưa đồng đều

Tại Hội thảo tham vấn “Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/1, nhiều ý kiến nhất quán, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế với những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tạo việc làm và thu nhập.

Hội thảo tham vấn “Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/1.

Khẳng định quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân gắn liền với tư duy phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, cũng như quá trình cải cách thể chế kinh tế, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ở Việt Nam, từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đánh dấu mốc quan trọng trong nhận thức và chỉ đạo về vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế, ghi nhận sự tồn tại khách quan của các hình thức, khu vực kinh tế, bao gồm khu vực kinh tế tư nhân.

Bà Minh cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều chủ thể kinh tế tư nhân, đặc biệt các tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

“Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường. Hơn nữa, trước những bất định mang tính toàn cầu, khả năng thích ứng linh hoạt của nhiều chủ thể kinh tế tư nhân cũng khá hạn chế”, bà Minh chỉ ra.

Nhận xét khu vực kinh tế tư nhân tuy đông về số lượng, nhưng chủ yếu quy mô còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sự thiếu vắng các DN quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ không cao, khả năng liên kết và hợp tác kinh doanh hạn chế khiến năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của khối kinh tế còn yếu; hiệu quả hoả động còn thấp và chưa đồng đều…

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Cần hơn nhiều lợi thế

Để phát triển kinh tế tư nhân theo hướng bền vững trong thời gian tới, theo bà Luyến cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế theo các hướng: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu từ kinh doanh thúc đẩy các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển.

“Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm các điều kiện gia nhập thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các hình thức pháp lý, giảm chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trách nhiệm với xã hội và môi trường của các chủ thể kinh tế tư nhân…”, bà Luyến đề xuất.

Chỉ ra nhiều hạn chế về chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng xanh cho biết, số lượng DN có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) chiếm 3/4 trong tổng số hơn 660.000 DN tư nhân. “Do quy mô nhỏ nên rất nhiều DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân thiếu sự liên kết, khó tạo ra tiếng nói chung để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế, ông Dennis Quennet nêu thực tế.

Đề cao khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp tích cực vào GDP, tạo việc làm và tham gia tích cực vào thị trường xuất khẩu, song ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, thực tế nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho khu vực này khá khó khăn, ngặt nghèo.

Đó là chưa kể việc còn nhiều khó khăn khi các DN muốn tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng, trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn thiếu thuận lợi về quỹ đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và nhất là những bất cập về thuế, thủ tục hải quan. Trong đó, sự thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh nhiều khi quá nhanh dẫn đến các DN không kịp nắm bắt để kịp thích nghi.

“Trình độ lao động của các DN khối kinh tế tư nhân đã thấp lại bị hạn chế về tiềm lực đầu tư nên rất khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dẫn đến năng suất lao động không cao. Nhiều gói hỗ trợ cho các DN khối này còn bị hạn chế tiếp cận, đâng kéo theo nhiều vướng mắc nảy sinh như thuế thu nhập DN hay nợ đọng bảo hiểm xã hội…”, ông Tuấn đề cập./.

Các tin khác