Phải tìm được giải pháp để khơi dậy và củng cố các động lực tăng trưởng

(ĐTTCO) - Tăng trưởng kinh tế quý I-2023 chỉ ở mức 3,32%, mức tăng trưởng thấp nhất của quý kể từ năm 2011. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng 2,52%, công nghiệp xây dựng âm 0,4%, dịch vụ tăng 6,79%. Những số liệu phần nào cho thấy, các động lực tăng trưởng của Việt Nam đang suy giảm, phần tích cực, khả quan vẫn mờ nhạt.
Phải tìm được giải pháp để khơi dậy và củng cố các động lực tăng trưởng

Với mức tăng 6,79%, khu vực dịch vụ đóng góp 95,91% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thế nhưng, điểm đáng lưu ý là dịch vụ ở nước ta chủ yếu là tiêu dùng cá nhân và biến động thuận với mức tăng thu nhập, nghịch với lạm phát. Tức là, thu nhập tăng kéo theo tiêu dùng tăng và ngược lại lạm phát tăng làm tiêu dùng giảm và ngược lại.

Các động lực tăng trưởng khác như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đang tiếp tục suy giảm và khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong thời gian tới. Tăng trưởng kinh tế của TPHCM chỉ 0,7%. Trừ thời kỳ đại dịch, có lẽ đây là mức tăng thấp nhất của TPHCM từ trước tới nay. Đó cũng là điều cần được đặc biệt quan tâm.

Tình hình doanh nghiệp quý I-2023 cũng biến động bất thường. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục. Bình quân 1 tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Quý I có gần 34.000 doanh nghiệp mới nhưng số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể, ngừng hoạt động đã hơn 60.000. Tính theo quý, hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra ở nước ta.

Và điều đáng lo ngại là môi trường kinh doanh khá ảm đạm. Sự ảm đạm thấy rõ ở đầu tư tư nhân chất lượng thấp và đang giảm sút. Lần đầu tiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm cả về số vốn thực hiện và đăng ký mới với mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011.

Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới chưa cải thiện trong năm nay sẽ khiến kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng và mang đến nhiều thách thức, khó khăn. Vì thế, nếu không thay đổi và có quyết sách kịp thời, đúng và đủ mạnh thì tình hình sẽ tiếp tục xấu.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng nền kinh tế vững vàng, độc lập và tự chủ thì từ nay đến năm 2025 phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế một cách linh hoạt hơn và cần có những chính sách, giải pháp hữu hiệu để khơi dậy, củng cố các động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, với động lực sản xuất công nghiệp, cần tập trung ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển các ngành phục vụ tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trang trải chi phí, duy trì lao động đảm bảo khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngay khi kinh tế các bạn hàng lớn phục hồi.

Với động lực dịch vụ, cần mở cửa đầy đủ du lịch quốc tế, nới lỏng chế độ visa du lịch; mở rộng thêm danh mục các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa du lịch, kéo dài thời gian visa du lịch… Về động lực đầu tư công, cùng với đốc thúc, chỉ đạo như hiện nay, cần tạo áp lực và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, địa phương trong giải ngân đúng, đủ vốn đầu tư công đã được giao; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm của các địa phương có thành tích tốt trong giải ngân vốn đầu tư công và nhân rộng thực tiễn tốt đó cho địa phương khác.

Với động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế là khu vực doanh nghiệp, cần trình Quốc hội kéo dài chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong Nghị quyết 43/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khôi phục lại chương trình cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và có tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi, giám sát và đốc thúc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng, đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp nhà nước phát huy được năng lực và vai trò, cần sớm sửa đổi, bổ sung luật về quản lý và giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Trong đó, ít nhất phải mở rộng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, cho phép kinh doanh đa ngành theo chấp thuận và quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Các tin khác