Mọi chuyện dường như không có cơ hội nào cho sự thay đổi, vì thế chúng ta phải tính đến đối phó như thế nào.
Lợi thế đã dần mất đi
Trước đó, Ủy ban sông Mekong và Bộ Ngoại giao Việt Nam muốn phía Campuchia cung cấp thêm thông tin về dự án này, và nên có thêm tham vấn của Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế nhằm tránh thiệt hại cho Việt Nam. Nhưng phía Campuchia khước từ cung cấp thêm thông tin và mọi tham vấn từ bên ngoài, vì cho rằng dự án này không ảnh hưởng nhiều đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
ĐBSCL rộng 41.000km2, với 13 tỉnh thành, trong đó có 7 tỉnh giáp biển với hơn 60% diện tích bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước biển. Trước đây ít năm, ĐBSCL nhận được khoảng 4.000 tỷ m³ nước và khoảng 100 triệu tấn phù sa từ sông Mekong, nhờ lượng nước lớn từ thượng nguồn đã đẩy nước biển ra và ngăn xâm nhập mặn, tạo nên một vùng nước ngọt rộng lớn cho người dân canh tác trồng lúa nước, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Thêm vào đó là mùa mưa hàng năm, mang lại một lượng nước rất lớn góp phần vào việc phát triển nền nông nghiệp lúa nước, tạo ra vùng đất giàu có, thịnh vượng.
Nhưng chừng 10 năm trở lại đây, tình hình đã đổi khác một cách rất khắc nghiệt. ĐBSCL không còn nhiều nước ngọt, diễn biến khí hậu thời tiết không còn theo quy luật nữa. Ở thượng nguồn, Trung Quốc xây dựng 12 đập thủy điện và nhiều hồ chứa nước cực kỳ lớn, đã chặn dòng và giữ lại hàng chục tỷ m3 nước.
Rồi Lào cũng làm đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính của sông Mekong, những công trình này khiến cho lượng nước về vùng hạ lưu ĐBSCL giảm đi rất nhiều. Thêm vào đó sự biến đổi khí hậu thất thường, mưa muộn hơn, lượng mưa giảm đi, nắng nóng và khô hạn nhiều hơn. ĐBSCL bị tổn thương nghiêm trọng, nay lại bị bồi thêm một cú nữa là công trình sông đào Phù Nam Techo của Campuchia, có thể làm cho vùng đất này đã khó càng khó thêm.
Theo thiết kế, kênh đào Phù Nam Techo dài 180km, rộng 100m ở thượng lưu và 80m ở hạ lưu, sâu 5,4m (độ sâu thông thuyền 4,7m), đáp ứng giao thông hai chiều và có thể đón tàu có trọng tải lên tới 3.000 DWT. Hiện nay, các chuyên gia đưa ra những nhận định khác nhau, có người cho là sau khi kênh đào đi vào hoạt động sẽ khiến lượng nước từ dòng Mekong về miền Tây có thể giảm 50%, có chuyên gia cho là 30%. Có thể ý kiến chưa thống nhất, nhưng có một điều chắc chắn là lượng nước từ sông Mekong về ĐBSCL sẽ giảm sâu.
Phải tính đến “nền kinh tế nước mặn”
Con kênh này được thực hiện theo phương thức BOT, do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thiết kế, thi công và khai thác trong 50 năm, với kinh phí do Trung Quốc bỏ ra tạm ước tính 1,7 tỷ USD, và sẽ đưa vào hoạt động năm 2028. Điều đó cho thấy trường hợp xấu nhất xảy ra, nếu ĐBSCL bị khô hạn thì kênh đào này vẫn hoạt động bình thường, vì nó nhận được sự tiếp sức từ hệ thống các hồ đập thủy điện ở thượng nguồn xả nước ứng cứu.
Trong các ý kiến của chuyên gia, có một ý kiến rất đáng quan tâm của PGS.TS Lê Tuấn Anh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng đã đến lúc cần phải chủ động xây dựng các mô hình “thuận thiên”, xây dựng “nền nông nghiệp nước mặn”, nhằm giúp các địa phương, người dân “sống cùng hạn mặn”.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu không có nước ngọt từ sông Mekong, và lượng mưa ít đi, hoặc có mưa nhưng muộn? Một minh chứng đã và đang xảy ra trong năm nay, đó là khu vực ĐBSCL xuất hiện tình trạng sụt lún ở hầu như các tỉnh, đường sá, cầu cống trải nhựa dài hàng km bị tụt xuống sâu hàng mét, tạo ra những hố sâu, khe nứt, hàng ngàn ngôi nhà bị sụp đổ xuống sông, cho dù không bị bão hay động đất.
Nguyên nhân do không có nước (mặn hay ngọt) làm mất lớp đệm mềm bên dưới lòng đất. Trong khi bên dưới lòng đất là các mạch nước, túi nước, vỉa cát, túi bùn và túi khí kết lại với nhau, và nhờ có nước để tạo thành một cái nền. Khi không có nước hay lượng nước giảm đi hình thành túi rỗng, các túi bùn, vỉa cát co ngót lại tạo ra khoảng rỗng làm các công trình sụp đổ. Do vậy nếu không có nước ngọt phải chấp nhận nước mặn để ổn định nền móng, có không ít ý kiến cho rằng nên tính toán lại việc làm các đê bao, cửa cống ngăn mặn sao cho hợp lý.
Cách nay hơn 10 năm, các chuyên gia biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới có khuyến cáo, khi nước biển dâng cao từ 0,5-0,7 mét người dân phải thay đổi phương thức sản xuất, thay vì sản xuất lúa nước phải tính đến nuôi trồng thủy sản và các loại rong, tảo biển và các loại thực vật nước mặn.
TS. Đào Phú Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững và Đa dạng sinh học Đại học quốc gia TPHCM cho rằng, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi nhiều giống lúa sẽ sớm biến mất khỏi ĐBSCL vì hạn mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền. Cụ thể, ngưỡng chịu mặn của sầu riêng vào khoảng 0,64 phần nghìn, tức mỗi lít nước có 0,64 gram muối; ngưỡng chịu mặn của chôm chôm là 1,28 phần nghìn.
Trong khi đó, nước tại các cửa sông nhiễm mặn đến 4 phần nghìn, tức mỗi lít nước có đến 4 gram muối. Theo ông Quốc xâm nhập mặn là điều không thể tránh khỏi, do đó “cần biến thách thức thành cơ hội”. Chẳng hạn có nhiều loại thủy sản giá trị kinh tế phù hợp với môi trường nước lợ, mặn giàu khoáng như tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, một số loài nhuyễn thể có giá trị xuất khẩu. Với cây ăn trái, đơn cử mãng cầu chịu mặn tốt và có nhiều giống lúa mới chịu được độ mặn cấp 5, tương đương 12,5 phần nghìn.
Cân nhắc quy mô các cảng quốc tế khu vực Đông Nam bộ
Có một điều chưa ai nói đến là khi kênh đào Phù Nam đưa vào hoạt động có ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh tế vùng Đông Nam bộ? Một trong số các chức năng quan trọng nhất của kênh đào Phù Nam là tạo ra con đường vận tải thủy nối sông Mekong với biển ở Campuchia, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa Campuchia và các quốc gia khác.
Hiện Đông Nam bộ có cảng Cát Lái và cảng Cái Mép - Thị Vải, được gọi là cảng trung chuyển quốc tế, nhưng lượng hàng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải còn rất thấp, chỉ chiếm 5% tổng sản lượng thông qua hàng năm, chủ yếu là hàng xuất khẩu từ Campuchia đến Bắc Mỹ và châu Âu, khoảng 20 triệu tấn/năm; hàng nhập khẩu vào Campuchia cũng thông qua cảng Cát Lái hoặc Cái Mép, sau đó chuyển sang xà lan đi ngược sông Mekong về cảng Phnom Penh.
Như vậy chỉ sau 4 năm nữa, hàng hóa Campuchia sẽ không thông qua các cảng của Việt Nam, vì có đường riêng qua kênh đào Phù Nam Techo. Còn các nước Đông Nam Á đều có hệ thống cảng biển riêng với quy mô lớn. Chẳng hạn Thái lan có cảng Bangkok, Songkhla, Laem Chabang; Malaysia có cảng Port k’lang, Tanjung Pelapas, Kuching; Singpore có cảng Tanjong Pagar, Keppel Wharves, Tuas, Pasir Panjang Terminal, Pasir Panjang Wharves; Indonesia có một hệ thống cảng hùng hậu với 9 cảng lớn. 4 năm là một quãng thời gian rất ngắn.
Khi kênh đào Phù Nam đưa vào hoạt động, những hệ quả sẽ phát sinh, cần chuẩn bị ngay từ bây giờ nếu không sẽ muộn.