Phản hồi của F88 sau bài viết: “Rót vốn vào F88, các quỹ đầu tư có là nạn nhân?”

(ĐTTCO) - Sau bài viết phản ánh của Báo ĐTTC về sự kiện hàng loạt chi nhánh của CTCP Kinh doanh F88 (F88) bị Công an khám xét, F88 đã có Thư phản hồi về các nội dung trong bài viết.
Phản hồi của F88 sau bài viết: “Rót vốn vào F88, các quỹ đầu tư có là nạn nhân?”

F88 không hề có chức năng cho vay

Về nội dung trên, F88 cho rằng: Thứ nhất đây là thông tin không chính xác. Trong giấy phép hoạt động của F88 có ghi rõ chức năng “Hoạt động cấp tín dụng khác. Chi tiết: Cầm đồ”. Như vậy, F88 hoàn toàn có chức năng cho vay theo hình thức cầm cố tài sản (tức là cầm đồ). Hoạt động cho vay cầm cố tài sản dựa trên sự điều chỉnh của Luật Dân sự.

Thứ hai, việc tác giả bài viết suy luận là chỉ có các tổ chức được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động mới có chức năng cho vay. Việc phản ánh như vậy cũng rất chủ quan, khi F88 hoàn toàn có chức năng cho vay theo hình thức cầm cố tài sản.

Thứ ba, việc quy chụp F88 như vậy làm ảnh hưởng tới uy tín hoạt động của doanh nghiệp trong mắt khách hàng và nhà đầu tư, đồng thời có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí cần có sự phân xử của các cơ quan quản lý truyền thông vì những thiệt hại này của doanh nghiệp.

- Về nội dung phản hồi của F88, Tòa soạn Báo ĐTTC xin trả lời như sau: Theo như giấy phép của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội thì F88 chỉ có chức năng “Cầm đồ”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC, F88 liên tục tự “quảng cáo” mình là doanh nghiệp cho vay.

Đơn cử là website của F88 khi giới thiệu về mô hình hợp tác với Thế giới di động, đăng ngày 9-3-2022: “F88 được biết đến rộng rãi như một nhà cung cấp dịch vụ vay tiền với hệ thống hơn 500 phòng giao dịch trải rộng khắp toàn quốc. Mới đây, MWG (Thế giới di động) và F88 đã chính thức trở thành đối tác của nhau, sự hợp tác này hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm tiện lợi cho mọi người trong vấn đề tài chính”.

Lãi suất cho vay phù hợp quy định?

Theo F88, trong bài viết có đoạn “Với hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng (tương đương 90%/năm), phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại, phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày”.

Cũng theo F88, về cơ cấu lãi suất của F88, chi phí này và hiện nay tổng chi phí vay giao động từ 30-55%/năm dựa trên dư nợ giảm dần và phù hợp với luật cho phép. Do vậy việc bài báo ghi rõ “7,5/tháng (tương đương 90%/năm)” là hoàn toàn sai sự thật. Bảng minh họa chi phí vay đã được niêm yết rõ ràng tại tất cả các phòng giao dịch của F88 và trên website đơn vị.

Chi phí vay này cũng chỉ tương đương với chi phí vay từ các công ty tài chính khác trong khi khách hàng của F88, hầu hết là những người unbank và underbank, là những người không đủ điều kiện vay từ các ngân hàng, các công ty tài chính do không chứng minh được thu nhập nên mức độ rủi ro cao hơn các tổ chức tín dụng khác.

- Về nội dung trên, ĐTTC xin giải thích rõ hơn về nội dung của bài viết. Thông tin bài viết được phóng viên lấy từ bảng minh họa chi phí vay tiêu dùng F88 tại các chuỗi siêu thị Thế giới di động/Điện máy xanh (ảnh) và những thông tin mà người tiêu dùng nhận được từ nhân viên tư vấn. Phản hồi của F88 cũng gián tiếp thừa nhận doanh nghiệp này đang hoạt động cho vay tiêu dùng, không đúng như giấy phép cho vay cầm cố.

Bảng minh họa chi phí vay của F88 tại Thế giới di động

Bảng minh họa chi phí vay của F88 tại Thế giới di động

SCIC không rót vốn vào F88

Theo F88, trong bài viết của ĐTTC có đoạn “Thông cáo báo chí của F88 được cung cấp cho giới truyền thông ngày 2-3 có 1 chi tiết khá thú vị: "VOI là liên doanh giữa Cơ quan đầu tư của Chính phủ Oman (Oman Investment Authority) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, sau khi F88 bị điều tra, SCIC đã lên tiếng phản bác thông tin đầu tư vào F88. Theo đó, VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư vào F88. Vai trò của VOI là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Oman Investment Authority”.

Về nội dung trên, F88 cho biết VOI là quỹ được thành lập từ cơ quan đầu tư của chính phủ Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Điều này không đồng nghĩa với việc SCIC có đầu tư vào F88 hay không. Trong TCBC, F88 hoàn toàn không đề cập SCIC là đơn vị đầu tư vào F88.

Thông tin này đã được rất nhiều tờ báo chuyên ngành tài chính có uy tín kiểm chứng và đưa tin. Do vậy, việc SCIC khẳng định không đầu tư vào F88 hoàn toàn không xuất phát từ việc các cơ quan chức năng kiểm tra F88, và người viết đã có sự chủ quan khi móc nối các trường thông tin khác nhau này.

- Về nội dung phản hồi của F88, Ban biên tập ĐTTC không hề khẳng định SCIC có đầu tư vào F88. Trên thực tế, bài viết của ĐTTC còn đăng thông tin đính chính của SCIC nhằm bác bỏ thông tin được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng sau buổi họp báo công bố vòng gọi vốn series C.

ĐTTC

Các tin khác