Rót vốn vào F88, các quỹ đầu tư có là nạn nhân?

(ĐTTCO) - Việc CTCP Kinh doanh F88 bị công an khám xét hàng loạt chi nhánh với nghi ngờ hoạt động “cho vay cưỡng đoạt tài sản”, đã vỡ lở ra nhiều vấn đề “nóng” đang tồn tại trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng hiện nay.
F88 liên tục tăng vốn điều lệ trong thời gian qua.
F88 liên tục tăng vốn điều lệ trong thời gian qua.

Không có chức năng cho vay?

Theo thông tin được lãnh đạo F88 “quảng cáo” trong các đợt kêu gọi vốn đầu tư, doanh nghiệp (DN) này được thành lập 2013, là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

F88 cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng (unbanked và underbanked), và các DN siêu nhỏ (micro SME) chưa đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức tài chính ngân hàng.

F88 định vị là chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích hoạt động theo nguyên tắc “đa dịch vụ, một điểm đến”, với mạng lưới 830 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính như dịch vụ cho vay cầm cố, phân phối bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền.

Tuy nhiên, theo bản cáo bạch thông tin mà F88 cung cấp cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) khi chào bán trái phiếu, hoạt động kinh doanh chính của F88 gồm 15 ngành nghề như: kinh doanh bất động sản, bán lẻ ô tô con (từ 9 chỗ trở xuống), hoạt động đại lý và môi giới bảo hiểm, quảng cáo, tư vấn quản lý, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bán lẻ hàng hóa đã qua sử dụng, bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet, và hoạt động cấp tín dụng khác.

Đáng chú ý là trong bản cáo bạch, hoạt động cấp tín dụng khác được F88 giải thích chi tiết là “dịch vụ cầm đồ”.

Như vậy có thể thấy, F88 không hề có chức năng cho vay. Đặc biệt, F88 được cấp phép bởi Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội chứ không phải giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Đây có thể là nguyên nhân khiến cho F88 bị Công an điều tra với các hành vi cho vay và đòi nợ theo kiểu “khủng bố”?

Vốn ngoại ồ ạt đổ vào F88

Tại buổi công bố vòng gọi vốn series C được tổ chức ngày 2-3 tại TPHCM, đại diện F88 cho biết năm 2017-2018, F88 đã gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (series A) từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (series B) từ quỹ Granite Oak.

Năm 2022, F88 tiếp tục nhận được khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).

Cũng trong năm 2022, F88 được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm BBB - (Ổn định) và được Trung tâm Tài chính toàn diện (Center for Financial Inclusion - trước đây tên là The Smart Campaign) xếp hạng và cấp Chứng chỉ Bảo vệ khách hàng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2025.

Riêng về vòng gọi vốn series C, theo công bố ngày 2-3, F88 huy động được 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) từ 2 nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Với Mekong Enterprise, đây là lần thứ 3 quỹ này rót vốn vào F88, trong khi VOI là lần đầu tiên. Trong vòng gọi vốn này, VOI rót 30 triệu USD, còn MEF IV góp 20 triệu USD.

Chia sẻ tại lễ công bố, ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc Đầu tư của VOI cho biết: “Kể từ khi thành lập vào năm 2009, VOI đã giải ngân hơn 300 triệu USD vào các lĩnh vực như tái tạo năng lượng, nước sạch, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Việc góp vốn vào F88 là khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Điều này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào mô hình kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của công ty, cũng như những lợi ích xã hội mà F88 có thể mang lại”.

Với góc nhìn tương tự, ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, kỳ vọng vào sự phát triển và thành công không ngừng của F88 với đội ngũ đồng sáng lập tài năng, cởi mở và sẵn sàng chuyển mình. F88 và đội ngũ công ty sẽ trở thành hình mẫu về cách vận hành DN phát triển một cách đáng tin cậy và đạt được tầm nhìn của mình.

Đồng phạm hay nạn nhân?

Câu hỏi đặt ra là các quỹ có nhận ra hoạt động kinh doanh “mờ ám” của F88, hay vì lợi nhuận mà họ bỏ qua để liên tục rót vốn vào DN?

Theo thông tin trên website, F88 đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ và doanh thu trung bình 200%/năm trong 3 năm liên tiếp gần đây.

Đáng chú ý không chỉ có các quỹ đầu tư, mà còn có ngân hàng ngoại bắt tay với F88, mới nhất là Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (KBank), chi nhánh TPHCM.

Theo thỏa thuận giữa F88 và KBank, 2 bên sẽ cùng nhau thúc đẩy một số hạng mục như: phân phối dịch vụ tài chính toàn diện tới nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính số, cấp các khoản tín dụng cá nhân và DN siêu nhỏ.

Trước đó, cuối năm 2021, F88 còn hợp tác với một ông lớn trong ngành bán lẻ là Thế giới di động. Thời điểm đó, mối quan hệ này bị dư luận nghi ngờ khi cả 2 cùng hợp tác cho vay tiền mặt với rất nhiều chi phí cao “chóng mặt”.

Chẳng hạn, với hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng (tương đương 90%/năm), phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại, phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày.

Thông cáo báo chí của F88 được cung cấp cho giới truyền thông ngày 2-3 có 1 chi tiết khá thú vị: VOI là liên doanh giữa Cơ quan đầu tư của Chính phủ Oman (Oman Investment Authority) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tuy nhiên, sau khi F88 bị điều tra, SCIC đã lên tiếng phản bác thông tin đầu tư vào F88. Theo đó, VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư vào F88. Vai trò của VOI là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Oman Investment Authority.

Tương tự, Thế giới di động cũng có động thái tạm ngưng hợp tác với F88 để yêu cầu đối tác giải thích, làm rõ vấn đề liên quan.

Theo Thế giới di động, trong thương vụ hợp tác với F88, DN chỉ làm trung gian kết nối giữa F88 và người có nhu cầu vay. Các thủ tục vay, xét duyệt, lãi suất, thời hạn trả nợ đều do phía F88 thực hiện.

Đây có thể xem là hành động “phủi” trách nhiệm, bởi trước đây khi bắt tay với F88, Thế giới di động cũng “quảng cáo”: F88 là một nhà cung cấp dịch vụ vay tiền với hệ thống hơn 500 phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước. Sự hợp tác giữa Thế giới di động và F88 hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm tiện lợi cho mọi người trong vấn đề tài chính.

Trong bản cáo bạch gửi HNX, hoạt động cấp tín dụng được F88 giải thích là “dịch vụ cầm đồ”. Như vậy F88 không hề có chức năng cho vay, và được cấp phép bởi Sở KH-ĐT Hà Nội chứ không phải giấy phép của NHNN.

Các tin khác