Theo dự báo của chuyên gia, năm 2022, phân khúc nhà riêng nội thành sẽ khởi sắc, khi nhu cầu tìm mua và giao dịch tăng dần.
Khan hiếm nguồn cung biệt thự, nhà phố
Nhiều tháng qua, vợ chồng chị Lê Thị Hoài Hương (36 tuổi, làm việc tại phòng khám y khoa ở phường An Phú Đông, quận 12) tìm mua một căn nhà tại TPHCM nhưng chưa được. Chị Hương cho biết, sau nhiều năm tích góp, vay mượn gia đình, vợ chồng chị có khoảng 2 tỷ đồng, định tìm mua căn nhà để an cư. Nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, vợ chồng chị chưa tìm được căn nào phù hợp với số tiền ấy.
Dù là nhà trong hẻm cũng ở mức 3-4 tỷ đồng. “Trước Tết, vợ chồng tôi được bạn bè giới thiệu một căn nhà hơn 50m2, 3 phòng ngủ tại phường Thới An (quận 12), với giá 3,5 tỷ đồng. Do còn phân vân giữa mua nhà đất và căn hộ chung cư nên gia đình chưa quyết. Sau tết hỏi lại thì người ta đã tăng giá lên 4 tỷ đồng”, chị Hương cho biết.
Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) ở TPHCM có nhiều dấu hiệu khởi sắc, khi thành phố chuẩn bị đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng, trong đó có đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài… Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên thị trường BĐS cũng “nóng” dần.
Anh Trương Văn Tới, người môi giới BĐS tại địa bàn khu Đông, cho biết 3 tháng qua, lượng khách có nhu cầu mua nhà liền thổ tăng vọt, tranh thủ đầu tư để chờ thời. “Những ngày gần đây, khách hàng liên hệ mình tìm nhà phố giá tốt nhưng không có hàng. Giờ phân khúc này giá khá cao, tầm 20 tỷ đồng/căn, hàng mới cũng không còn nhiều. Trong tình hình lạm phát như lúc này, thị trường nhà phố chỉ dành cho người có nhiều tiền mặt”, anh Tới nói.
Chừng 3 năm trở lại đây, mặt bằng giá nhà liền thổ tại TPHCM không ngừng tăng cao. Ông Nguyễn Quốc Bình, giám đốc một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực nhà phố tại TP Thủ Đức (TPHCM) cho hay, giáp tết, giá nhà đất mặt tiền các trục đường Song Hành, Trần Não… có giá giao dịch trung bình 200 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên 250-300 triệu đồng/m2. Cá biệt có những tuyến đường liền kề với cầu Thủ Thiêm như Lương Định Của, giá lên tới 350-400 triệu đồng/m2; khu vực đường Liên Phường, đường Đỗ Xuân Hợp... giá giao dịch tăng 140-160 triệu đồng/m2 lên 160-200 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, nguồn cung nhà phố, biệt thự tại TPHCM tiếp tục khan hiếm. Cụ thể, đại diện đơn vị này cho hay, ở phân khúc nhà phố và biệt thự, nguồn cung tại TPHCM giảm đến 65% so với nhiều năm trước.
Nhà liền thổ “cháy hàng”
Khu vực có tốc độ tăng giá biệt thự, nhà liền kề cao nhất thuộc về các quận, huyện ở khu Nam Sài Gòn, như quận 7 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, với mức tăng giá khoảng 22-24% so với thời điểm năm 2021. Đây cũng là khu vực thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm biệt thự, nhà phố nhất trên thị trường BĐS TPHCM, nhờ lợi thế giá bán và quỹ đất đa dạng.
Mặt bằng thị trường BĐS chung của khu Nam Sài Gòn giá từ 40-80 tỷ đồng/căn biệt thự được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng hơn, dư địa tăng dài hạn tốt hơn. Tiêu biểu tại khu Nam Sài Gòn, Tập đoàn Nam Long Group mở bán 39 biệt thự ven sông Compound The Mizuki thuộc dự án Mizuki Park (diện tích 26ha) tại huyện Bình Chánh; mỗi căn gồm biệt thự cỡ lớn Grand Villa ven sông, diện tích 225-662m2, giá 60-80 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù tốc độ tăng giá không bằng khu Nam Sài Gòn, song do nhiều khu vực giáp sông Sài Gòn rộng mênh mông, lại tiếp giáp quốc lộ 13, ưu thế “nhất cận thị, nhị cận giang” nên biệt thự ven sông tại khu Đông có giá 100-150 tỷ đồng/căn. Đơn cử tại khu Đông, Đại Phúc Land đã mở bán 90 căn biệt thự ven sông tại dự án Vạn Phúc City (quy mô 198ha), giá dao động 70-157 tỷ đồng/căn. Tập đoàn Cityland chào bán các căn biệt thự, nhà phố thuộc dự án Khu đô thị CityLand Park Hills (quận Gò Vấp) với giá tầm 30 tỷ đồng/căn.
Ghi nhận của đơn vị nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn cho thấy, nhà phố thương mại của một dự án tại TP Thủ Đức có giá bán dự kiến gần 400 triệu đồng/m2 và giá thực tế có thể cao hơn, do chịu tác động từ nhiều yếu tố như vị trí, các loại thuế, phí. Cũng theo đơn vị này, nhiều dự án biệt thự, nhà phố hạng sang được công bố ra thị trường những tháng đầu năm 2022 đã xác lập mặt bằng giá mới cho dòng sản phẩm này tại TPHCM.
Cụ thể, các dự án nhà liền thổ được chào bán gần đây đều có mức giá hàng triệu USD nhưng vẫn trong tình trạng “cháy hàng”, như biệt thự một dự án ở khu Đông có giá công bố trên dưới 100 tỷ đồng/căn và được bán hết trong thời gian ngắn. Hay một căn nhà phố trên đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức), trước đây bán với giá 35 tỷ đồng, thì nay đang có giá giao dịch 45-47 tỷ đồng/căn, tăng 25-30% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, nhu cầu chọn nhà phố thời điểm này phần lớn là để ở, có thể khai thác kinh doanh hoặc cho thuê. Vì vậy, người mua ưu tiên tìm kiếm các khu đô thị hiện hữu, quy hoạch bài bản, hội tụ đủ các yếu tố về thiên nhiên, môi trường, tiện ích. Đặc biệt, người Việt có tâm lý mua nhà phố làm “của để dành” cho con cháu… Một số chuyên gia kinh tế phân tích, sở dĩ thị trường BĐS có sự bùng phát này là do tâm lý e ngại đã được phá bỏ.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, trạng thái bình thường mới khiến việc sống chung với dịch bệnh là điều tất yếu, nhất là tỷ lệ tiêm vaccine tăng rõ rệt. Nhiều đường bay trong nước và quốc tế đã dần mở lại giúp các nhà đầu tư mạnh dạn “săn hàng”, đẩy lượng giao dịch mua - bán và giá tăng nhanh. Thêm nữa, BĐS luôn hấp dẫn nhà đầu tư bởi nguồn cầu gần như không giảm.
TPHCM hiện không còn nhiều sản phẩm biệt thự, nhà phố mới để nhà đầu tư hướng đến. Do quỹ đất dành cho loại sản phẩm này không còn nhiều, trong lúc nhu cầu mua cao nên dự báo giá biệt thự, nhà phố mới chào bán tăng mạnh ở cả giao dịch từ chủ đầu tư đến hoạt động sang nhượng thứ cấp Ông NGUYỄN HOÀNG, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam |