Đó là những ý kiến của bà Lưu Thị Thanh Mẫu- CEO Phúc Khang Corp được phát biểu tại Tọa đàm Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng cho đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức. ĐTTC xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Để kiến tạo một đô thị vừa hiện đại sáng tạo vừa đáng sống và bền vững, cần quy hoạch chung thành phố (QHC TP) Thủ Đức theo hướng Đô thị XANH, tiên phong tạo dựng những cộng đồng xanh, lan tỏa những giá trị sống xanh, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, giúp TP Thủ Đức không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế và không gian thực thể mà còn thực sự là đô thị thân thiện, đáng sống và phát triển bền vững. Để hiện thực hoá những mục tiêu nói trên này, đồ án QHC TP Thủ Đức cần quan tâm tới những chiến lược không gian sau:
Liên kết vùng, không manh mún
QHC TP Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh. Không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 theo cơ sở địa giới hành chính, TP Thủ Đức muốn trở thành động lực phát triển kinh tế, có chất lượng tri thức và đời sống cao, thì cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược cho toàn vùng (bao gồm cả TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đô thị lân cận..) để có định hướng phát triển tổng thể một khu Đông Sài Gòn xứng tầm, không quy hoạch manh mún từng khu vực như cách làm trước đây do thiếu chiến lược phát triển đồng bộ.
Hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu trong đồ án QHC. Xây nhà từ móng, phát triển một thành phố phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TPHCM hiện nay đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng…
Thành phố sáng tạo và thành phố công nghệ không thể là thành phố suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để trở thành TP sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế.
Cần hiểu rõ các đặc trưng và tiềm năng của khu vực này để tìm ra được sự khác biệt giúp TP Thủ Đức ghi dấu ấn trong nước và quốc tế. Sáng tạo và công nghệ là những mục tiêu phát triển mà nhiều thành phố mới trên thế giới theo đuổi, vậy điều gì là bản sắc riêng của TP sáng tạo Thủ Đức.
Không thể và không nên gọi Thủ Đức là “Singapore” hay “Phố Đông Thượng Hải” của TPHCM, TP Thủ Đức cần là chính nó, tạo dựng vị thế mới mẻ và riêng biệt nhưng cũng đầy sức thu hút. Điều này chỉ có thể làm được khi hiểu rõ các tiềm năng (thiên nhiên, văn hoá, con người..) của khu vực này, từ đó xây dựng viễn cảnh (vision) phát triển trong tương lai của TP.
Các vùng sinh thái tự nhiên, mảng xanh, mặt nước chính là những kho báu nhất định phải bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị. Cấu trúc không gian mặt nước, các vùng sinh thái tự nhiên, các mảng xanh… chính là yếu tố hạ tầng SINH THÁI cơ bản để định hướng cho quy hoạch cơ sở hạ tầng và quy hoạch không gian, do vậy cần tôn trọng tối đa yếu tố sinh thái tự nhiên từ đó có những chiến lược và giải pháp ứng xử phù hợp.
Đồ án QHC cũng cần sớm dành chỗ cho các không gian công cộng (Public space), đặc biệt là dải hành lang đất ven sông SG và sông Đồng Nai cần được khoanh vùng chức năng công cộng trước khi có sự phát triển xây dựng ồ ạt. Những công viên cảnh quan dọc hai bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.
Cần quan tâm tới nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào các không gian công cộng, các bảo tàng nghệ thuật, các hoạt động công chúng, các hình thức giáo dục…để đưa nghệ thuật gần hơn với người dân, nâng cao chất lượng nghệ thuật và ứng dụng nghệ thuật để có những thành tựu sáng tạo và thẩm mỹ trong mọi lĩnh vực. Lồng ghép những giá trị thiên nhiên, nghệ thuật và TRUYỀN THỐNG để định hình và làm giàu thêm bản sắc cho một thành phố mới. Ứng dụng Công nghệ kết hợp cùng nghệ thuật và truyền thống cũng là xu hướng phát triển thời đại, giúp TP khẳng định đẳng cấp và vị thế riêng trong kỷ nguyên số toàn cầu.
Cần có bộ khung hướng dẫn Thiết kế đô thị cho TP, xác định rõ các khu vực cao tầng, các khu vực điểm nhấn để kiến tạo hình ảnh, bộ mặt đặc trưng cho đô thị, đặc biệt là hình bóng đô thị (Silhouette/Skyline) mặt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Khung hướng dẫn Thiết kế đô thị cho thành phố cũng sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng định hình quy mô và mức độ đầu tư tại các KV trung tâm của TP.
Bà Lưu THị Thanh Mẫu, CEO Phúc Khang Corp
Phát triển mô hình “đô thị xanh”
Cần nghiên cứu khái niệm và phát triển mô hình Đô thị Xanh cho TP Thủ Đức. Đây là cơ hội quý báu để có những chiến lược thay đổi cả về lượng và chất cho TP này. Trước những đe dọa của các kịch bản BĐKH, sự suy thóai về chất lượng môi trường và suy giảm tài nguyên, năng lượng trong tương lai gần, những chiến lược về PTĐT bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để hiện thực hóa mục tiêu PTĐT bền vững, việc phát triển các đô thị theo hướng xanh và bền vững là một hướng đi tất yếu.
Nếu vẫn giữ tốc độ phát triển đô thị thần tốc như hiện nay mà thiếu sự quan tâm tới tính xanh và bền vững, diện tích bê tông hóa sẽ thay thế dần các mảng xanh tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, HST và đa dạng sinh học (ĐDSH) bị hủy họai, chất lượng môi trường ngày càng suy thóai… cùng với đó là sự suy giảm về sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân đô thị, cũng như sự đứt kết nối dần giữa con người với thiên nhiên.
Đô thị xanh là một đô thị thúc đẩy hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo trong tất cả các hoạt động của mình, thúc đẩy sâu rộng các giải pháp xanh, áp dụng quy hoạch nén với chức năng sử dụng đất hỗn hợp cùng các hoạt động xã hội đa dạng, và củng cố sự phát triển của địa phương theo các nguyên tắc tăng trưởng xanh và công bằng.
Hướng đến đi sâu vào những tiêu chí thân thiện với môi trường và sức khoẻ người dân đô thị: kiểm soát dịch bệnh và gánh nặng sức khỏe của người dân; giảm các mối nguy hóa học và vật lý; phát triển môi trường đô thị chất lượng cao cho tất cả mọi người; giảm thiểu chuyển giao chi phí môi trường ra các khu vực bên ngoài thành phố; và đảm bảo tiến độ hướng tới tiêu dùng bền vững.
Có thể nói, phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững chính là tạo ra sự thay đổi, tạo ra những không gian sống tốt hơn và những đô thị tốt hơn, cho hành tinh, cho môi trường và cho cả chính con người. QHC TP Thủ Đức cần nghiên cứu sâu hơn nữa về đô thị xanh để phát triển theo những tiêu chí xanh phù hợp, thực sự mang lại cho người dân đô thị những không gian sống giàu tính sinh thái, đáng sống và bền vững trong bộ khung hạ tầng và kiến trúc thượng tầng nhân văn và hiện đại.
Để đẩy nhanh tiến độ của đồ án QHC TP Thủ Đức trước hết cần giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính cho các dự án BĐS trong khu vực đã lập kế hoạch, đang chờ phê duyệt và được phê duyệt trước đó để có thể cập nhật vào đồ án QHC mới. Cần có bước rà soát và tích hợp các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong khu vực, song song với bước lập quy hoạch cấu trúc chiến lược cho TP mới, đồng thời trong lúc đó, các dự án đang lập kế hoạch có thể tham khảo để tích hợp theo quy hoạch mới.
Có như vậy thì mới đảm bảo các quy trình vẫn diễn ra hài hoà, không bị mâu thuẫn và kéo dài tiến độ xây dựng TP. Để làm được điều này cần thành lập Hội đồng Quy hoạch và Thiết kế đô thị TP Thủ Đức, hoạt động chuyên môn độc lập để khách quan đánh giá, tích hợp và điều chỉnh các dự án BĐS với bản QHC của thành phố. Hội đồng này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS để cùng đẩy nhanh các thủ tục hành chính cho các dự án sau khi tích hợp với bản Quy hoạch chung.
Việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế ở khu vực TP.HCM, mà còn là yếu tố kích thích phát triển thị trường và các sản phẩm BĐS tại khu vực này. Chính vì vậy, rất cần những sản phẩm BĐS có những giá trị và phẩm chất phù hợp với những kỳ vọng và viễn cảnh tương lai của Thành phố. Đô thị Xanh Thủ Đức là cơ hội để chúng ta triển khai áp dụng những chiến lược phát triển đô thị bền vững, những công nghệ thân thiện và bền vững với môi trường và cộng đồng. Xây dựng Công trình xanh và những Khu đô thị xanh là một trong những chiến lược và công nghệ đó.
Là đơn vị tiên phong phát triển Công trình xanh tại Việt Nam, tiếp nối thành công của Diamond Lotus Riverside, Phúc Khang đã có dự án Rome by Diamond Lotus được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh chính phẩm Quốc tế tại cửa ngõ TP Thủ Đức. Với Rome by Diamond Lotus, Phúc Khang không mang đến một “Land mark” về cao độ mà chúng tôi mang đến một Biểu tượng kiến trúc nhân văn lưu giữ tinh hoa kiến trúc bản địa cùng khúc chiết, tinh tế của đặc trưng kiến trúc di sản nhưng vẫn đảm bảo sự phù hợp với môi trường, khí hậu Sài Gòn nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân nơi đây.
Trong tương lai, Phúc Khang vẫn tiếp tục phát triển thêm nhiều CTX và khu đô thị xanh phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị bền vững của Thành phố. Hình thành nên một lối sống mới thực sự không chỉ dừng lại ở những công trình xanh, mà cần đến cả một hệ sinh thái có tính tương trợ liên quan. Phúc Khang mong muốn được đồng hành cùng quá trình hiện thực hóa những giá trị sinh thái ấy cho cộng đồng TP Thủ Đức và cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho tất cả các yếu tố chất lượng của cuộc sống xanh bền vững.
Phúc Khang không phân khúc thị trường theo “giá” (trung cấp hay cao cấp). Mà chúng tôi kiên định phát triển sản phẩm theo phân khúc giá trị, khai mở những lối sống xanh chính phẩm, chuẩn mực toàn cầu, văn minh, nhân văn truyền thống và tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng với sứ mệnh: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”.