Phát triển giao thông công cộng: Giải quyết tận gốc bài toán vỉa hè

(ĐTTCO)-Sự thống trị của xe máy và giao thông cá nhân nói chung là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm chỗ đỗ xe, nơi buôn bán. Hà Nội và Tp.HCM đang quyết tâm đòi lại vỉa hè. Có mối liên hệ nào giữa việc đòi lại vỉa hè và phát triển giao thông công cộng?
Phát triển giao thông công cộng: Giải quyết tận gốc bài toán vỉa hè

Để giải quyết căn cơ bài toán vỉa hè, việc thúc đẩy nhanh các dự án giao thông công cộng, tăng tỷ lệ sử dụng GTCC có ý nghĩa như thế nào?

Ngay trong giai đoạn 2 (từ 1/3 -31/3) của “chiến dịch” tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán và làm chỗ đỗ xe, bày bán hàng hóa vẫn xảy ra tại nhiều tuyến phố: Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, đường Nguyễn Chí Thanh đoạn qua số nhà 37, đường Đê La Thành…

Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, giao thông tiếp cận ở điểm đầu và điểm cuối của một hành trình sử dụng phương tiện giao thông công cộng chiếm tổng 50% thời gian đi lại của chuyến đi. Bởi vậy, nếu không cung cấp không gian cho người đi bộ thì hệ thống vận tải công cộng gần như bị gián đoạn, việc sử dụng giao thông công cộng trở nên khó khăn hơn và do đó, làm suy giảm nhu cầu sử dụng giao thông công cộng. Muốn phát triển một hệ thống giao thông công cộng tốt và thân thiện với người tham gia giao thông, cần dành không gian vỉa hè kết hợp với việc bố trí tuyến hạ tầng, điểm dừng đỗ đón trả khách của vận tải công cộng.

Đi bộ và giao thông công cộng là 2 phương thức đi lại hỗ trợ nhau. Để giải quyết bài toán vỉa hè, ông Đinh Đăng Hải, cán bộ Dự án Thành phố sống tốt của Tổ chức Health Bridge của Canada tại Việt Nam lưu ý: "Để giải quyết vấn đề này, cách duy nhất mà chúng ta phải làm là giảm về số lượng xe trong thành phố thông qua việc chuyển đổi các hình thức đi lại bằng phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng. Ví dụ như xe buýt gom, các tuyến xe buýt nhanh hoặc là các phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn khác để làm sao cho càng nhanh càng tốt chúng ta giảm số chuyến đi bằng xe cơ giới cá nhân vào các khu vực đô thị đông đúc, giảm nhu cầu đỗ xe. Lúc đó, không gian đô thị nó sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, đỗ xe sẽ không chiếm nhiều chỗ nữa. Chúng ta vẫn có thể hoàn toàn có thể đi lại được".

Cũng theo ông Hải, trong ngắn hạn, chính quyền các đô thị có thể là bố trí thiết kế lại vỉa hè và không gian đỗ xe làm sao cho nó trật tự và hiệu quả. Ví dụ như kẻ các điểm đỗ xe làm sao để không xâm phạm vào phạm vi của người đi bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động quản lý vỉa hè và phát triển hệ thống giao thông công cộng, quản lý phương tiện xe cá nhân không thể tách rời nhau và có tác động qua lại lẫn nhau. Bởi vậy, để giải quyết bài toán trả lại vỉa hè cần bài toán tích hợp thống nhất tổng thể nhưng trong đó những giải pháp cốt lõi bao gồm đẩy nhanh các dự án phát triển hệ thống giao thông công cộng để sớm hình thành mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ, trong đó có vỉa hè.

Chính quyền các đô thị lớn đã nhiều lần ra quân chiến dịch dẹp vỉa hè nhưng chỉ sau một thời gian, tình trạng lấn chiếm trở về như cũ. Thay đổi cách tiếp cận đối với bài toán vỉa hè từ phía người sử dụng dịch vụ thay vì từ phía người cung cấp dịch vụ như trước đây có thể giúp vỉa hè sớm được lấy lại đúng chức năng vốn có của nó.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài Bình luận có nhan đề: "Vỉa hè và bia rượu".

Có một sự tương đồng nhất định giữa chiến dịch vỉa hè với cao điểm nồng độ cồn trong giao thông: Cùng được phát động như cao điểm, cùng bị chùng xuống nhiều lần hoặc bị “nhờn” khi cao điểm đi qua.

Nhưng lần này, bia rượu không còn cao điểm. Và vỉa hè cũng không dừng lại ở một đợt ra quân. Người đứng đầu thành phố Hà Nội trong chỉ đạo mới đây, đã chỉ rõ các nhiệm vụ cần làm, đích danh các trách nhiệm cá nhân, yêu cầu báo cáo kết quả trên từng địa bàn, từng tháng.

Đó là một sự cụ thể hóa cần thiết. Song, để đảm bảo cho thắng lợi đối với một nhiệm vụ đã thất bại quá nhiều lần như chuyện vỉa hè, thì nỗ lực dọn dẹp, đẩy đuổi thôi là không đủ.

Nếu nhìn nhận các dịch vụ đang được cung cấp trên vỉa hè như một “thị trường”, rõ ràng lực cầu đang vô hình trung thúc đẩy thị trường này nở rộ. Nói cách khác, thói quen vô tư sử dụng các dịch vụ được cung cấp không hợp pháp trên vỉa hè của người dân đang góp phần thúc đẩy vi phạm, và làm cho các nỗ lực dẹp trật tự rơi vào vòng luẩn quẩn.

Đồng ý rằng, trong lựa chọn này của người tiêu dùng, có những sự “đặng chẳng đừng”, như để xe trước nhà, đỗ xe vào giao dịch. Song, cũng có rất nhiều lựa chọn thiếu trách nhiệm đang nhân danh “thói quen”, “tập quán”, “văn hóa”, thực chất là để thỏa mãn sự thoải mái cá nhân.

Khi người dân vừa là hậu quả và là nguyên nhân của sự lộn xộn bừa bãi trên hè, thì công cuộc đẩy đuổi, dọn dẹp vỉa hè sẽ không hồi hồi kết.

Vì thế, nên có một cách tiếp cận khác, đó là tìm cách “cắt cầu” với các dịch vụ được cung ứng trên hè.

Thực tế công cuộc đẩy lùi vi phạm nồng độ cồn đã chứng minh, khi người dân hạn chế sử dụng đồ uống có cồn ở bên ngoài, các chủ kinh doanh nhà hàng, quán xá buộc phải chuyển hướng.

Thực tế dẹp hàng rong tại một số khu đô thị, khu chung cư ngay tại Hà Nội cho thấy, chỉ cần vận động người dân “nói không” với hàng rong, giao cho người dân giám sát lẫn nhau, ai mua hàng rong coi như đi ngược tiêu chuẩn văn hóa cộng đồng, thì hàng rong sạch bóng ngay mà không cần đẩy đuổi.

Với vỉa hè, nếu thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng trở thành chủ đạo, nhu cầu gửi xe trong nội đô sẽ giảm rất mạnh. Tình trạng đỗ xe trên hè sẽ bớt đi. Những sự la cà, tiện thể, tạt té dọc đường… có cơ hội giảm thiểu.

Nếu giao thông công cộng phát triển đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu đi lại, các nhà chức trách cũng không cần phải lo xe cá nhân quá đông mà ồ ạt lao lên vỉa hè khiến người đi bộ thót tim.

Nếu định hướng phát triển giao thông công cộng TOD được tôn trọng và thực hiện, đường sẽ mở trước, dân cư sống bám theo các quy hoạch hai bên, không có chuyện hàng quán áp sát bên đường, hoặc người đi đường ghé vào mua theo ngẫu hứng…

Phát triển được giao thông công cộng để đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, và quy hoạch giao thông công cộng theo hướng của đô thị thông minh, sẽ là lời giải cho rất nhiều bài toán hóc búa, trong đó có vỉa hè.

Tất nhiên, cần nhiều thời gian và chi phí để đầu tư xây dựng được một nền giao thông công cộng như vậy. Nhưng nó cần là một ưu tiên tạo đột phá mạnh mẽ ở các đô thị lớn nước ta, hơn là tốn rất nhiều nguồn lực để dẹp loạn vỉa hè mà uổng công vô ích.

Ngay cả đối với giải pháp trước mắt, thì thay vì nhắm vào chủ thể hành vi vi phạm, vào người cung cấp dịch vụ trên vỉa hè, hoàn toàn có thể tiếp cận từ người sử dụng dịch vụ.

Nếu tiêu dùng trở thành hành vi có trách nhiệm, người ta sẽ không nhất thiết phải kiếm cho bằng được một chỗ ngồi trên hè, để vừa ăn bát phở, uống trà chỉ để cho thoáng, hoặc để ngắm xe qua. Người ta cũng sẽ thấy ngượng, khi sà vào mua sắm một thứ hàng hóa bày bán trái phép trên hè, nếu biết rằng mình có nhiều lựa chọn khác, và việc làm của mình đang đẩy người đi bộ xuống lòng đường nguy hiểm.

Những lựa chọn này không bị áp lực bởi cơm áo gạo tiền, nên không cần đợi cuộc sống khá hơn mới bắt đầu. Điểm khởi đầu, cũng có thể giản dị như việc, cán bộ đảng viên làm gương trong chuyện, đã bia rượu thì không lái xe.

Các tin khác