Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, quy tụ đa đạng và rộng khắp các thành viên cùng nhiều nguồn lực nhằm phân phối, chia sẻ mô hình phát triển hệ sinh thái. Đặc biệt, đây cũng nơi thành thành lập vườn ươm doanh nghiệp (DNES) đầu tiên trong cả nước theo hình thức công – tư sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ của thành phố và kêu gọi được 12 doanh nhân góp vốn.
“Đến nay, chúng tôi đã ươm tạo 50 công ty khởi nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tự thành lập và phát triển. Nhiều công ty ươm tạo như: Hekate ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển du lịch; Zody: hoạt động trong lĩnh vực sinh học cho người tiêu dùng… đều gọi vốn thành công và cạnh tranh được với thế giới”, ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng đối diện những thách thức, chủ yếu về con người, hạ tầng không gian, huấn luyện viên hỗ trợ khởi nghiệp; thiếu vốn đầu tư khởi nghiệp, mặc dù có những quỹ sẵn sàng hỗ trợ như Flying, nhưng con số này còn ít. Chính sách vĩ mô về hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện như chính sách ưu đãi về thuế, luật hóa hình thức trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh, cách tiếp cận khởi nghiệp hiệu quả chính là thiết lập cơ chế chính sách và cho cộng đồng tự phát triển. Tại TP HCM, qua 3 năm triển khai ngoài tập trung đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo từ cấp phổ thông. Hiện TP HCM có 4 nghìn nhóm khởi nghiệp được huấn luyện, 140 giáo viên của 20 trường đại học được trang bị kiến thúc về khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, TP HCM cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy các mô hình ươm tạo khởi nghiệp
Theo ông Dominic Mellor, Chuyên gia đầu tư cao cấp, khối tư nhân và chương trình đầu tư mạo hiểm của ADB, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chỉ hình thành khi các bên liên quan kết hợp các ý tưởng, tạo ra tác động lớn và trở thành một doanh nghiệp cụ thể. Nhưng để một doanh nghiệp thành công cần thêm các tố về vốn, kiến thức trị trường, quản trị…
“Hệ sinh thái khỏe mạnh phải bao gồm nhiều thành phần như nhà nghiên cứu, viện, trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... mới có thể tạo nấc thang quan trọng của sự thành công”, ông Dominic Mellor phân tích.
Bà Martin Webber, Phó Chủ tịch Thường trực của Công ty J.E. Austin cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và thương mại hóa, vấn đề hỗ trợ hệ sinh thái sáng tạo địa phương rất quan trọng. “Bản chất hệ sinh thái địa phương cần có một mạng lưới, và chúng ta cần làm thế nào để nó tương tác được với nhau, hỗ trợ nhau, kết nối cùng phát triển”, bà bà Martin Webber nói.
Theo bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trong hệ sinh thái khởi nghiệp thì chính sách và môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Môi trường sẽ tạo không gian cho doanh nghiệp làm việc hiệu quả.
Trong đó, 4 khía cạnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chính là: tạo vườm ươm; tiếp cận thị trường; định chế tài chính cấp độ quốc gia và địa phương, cuối cùng là sự hợp tác, tương tác, cộng hưởng giữa tư nhân, nhà nước và nhà đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, Bộ đang cùng với các địa phương chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các cơ chế chính sách và các dự án như: Chương trình nông thôn miền núi, Đề án 844, Chương trình Quốc gia phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương…
“Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của từng địa phương cần nhấn mạnh yếu tố bản địa, nhưng phải có tính cộng đồng, mới có thể nuôi dưỡng tốt cho khởi nghiệp. Quan trọng nhất phải làm việc cùng nhau, phải đầu tư cho giáo dục… Tuy vậy, để giải quyết vấn đề về tăng cường kết nối giữa địa phương với địa phương, cộng đồng doanh nghiệp…cần có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ của chính quyền các cấp; sự hưởng ứng của các tổ chức cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái địa phương gắn với các sản phẩm bản địa, sử dụng KH-CN làm đòn bẩy, làm bệ đỡ xây dựng ngành sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác phát triển quốc tế nhằm cập nhật xu thế khởi nghiệp, tận dụng được lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được những điều trên, cần nhất chính là thay đổi tư duy cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố để họ nhận thấy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo là cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội địa phương”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phân tích.