Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ lập trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất

(ĐTTCO)-Tối 29-11, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techfest Vietnam 2018 được khai mạc tại TP Đà Nẵng. Techfest Vietnam 2018 do Bộ KH-CN, Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức, với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo 4.0 - Kết nối toàn cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu những mô hình trưng bày ý tưởng khởi nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu những mô hình trưng bày ý tưởng khởi nghiệp
*Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc ngày hội, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh khẳng định, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển mạnh mẽ như hiện nay và hệ sinh thái khởi nghiệp đã có những nỗ lực để đứng thứ 3 ASEAN. Thời điểm này, chúng ta có thể tự hào có những sản phẩm, dịch vụ của nhiều start-up Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Bộ KH-CN sẽ sát cánh cùng bộ, ngành tập trung xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, văn hóa dám nghĩ dám làm, đứng lên sau thất bại; khơi gợi đam mê sáng tạo từ những cấp học đầu tiên; đào tạo kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thách thức của thực tiễn…
Năm 2017, có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, tăng gấp đôi so với 2015; hơn 40 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh và hơn 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước…
Năm 2018, các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Vinacapital thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH-CN có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD, để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thành công của các star-tup Việt với những khoản gọi vốn đầu tư lớn: Foody gọi vốn thành công 64 triệu USD; Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; Sendo.vn gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á. 
Startup Việt được thành lập ở nước ngoài cũng gặt hái thành công như Misfit, GotIt hay Kyber Network. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, chúng ta có thể hy vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây sẽ là lực lượng doanh nghiệp tiên phong, có khả năng tăng trưởng cao để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến dự và phát biểu tại ngày hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ai cũng có khát vọng và mơ ước mong muốn được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc.
Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển với thu nhập người dân hơn 18.000 USD. Thủ tướng tin tưởng làn sóng khởi nghiệp hiện nay sẽ hình thành lên thế hệ doanh nhân đầy tự hào. Đó là món quà ý nghĩa nhất cho năm 2045.
“Mục tiêu của khởi nghiệp không thuần túy là con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý khẳng định chính mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của mỗi người. Tại sao chúng ta gọi là khởi nghiệp sáng tạo, nội hàm của cụm từ này rất sâu sắc.
Trong đó, chúng ta xem sự sáng tạo là một thứ tài nguyên mới để chúng ta khởi nghiệp, đó là thứ tài nguyên vô tận. Khởi nghiệp trên nền tảng sáng tạo, tôi tin thành công ắt sẽ đến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương xem hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu để hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực vào một cụm.
Thủ tướng đề xuất hình thành một trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt đặt ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Cần kết nối các trung tâm khởi nghiệp để tăng khả năng tương tác và hiệu ứng cộng hưởng giá trị. Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính và các nguồn lực cần thiết...

Trước đó, chiều 29-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Diễn đàn có sự tham dự của 250 đại biểu là đại diện các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 50 đại biểu là thành viên của Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp và các nhà đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, hơn 2 năm kể từ khi phát động phong trào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là về mặt tiếp cận cơ chế chính sách và truyền thông. Nhiều thiết chế như quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từng bước được hình thành ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn nhiều vướng mắc. Thông qua diễn đàn, lãnh đạo Đoàn mong muốn các bạn thanh niên có thêm bản lĩnh, tri thức, kỹ năng, động lực và quyết tâm, học tập, rèn luyện thật tốt để tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân và góp sức xây dựng quê hương, đất nước...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhìn nhận thực trạng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam những năm qua từ đánh giá cơ chế, chính sách tới diễn biến thực tiễn; so sánh hướng đi, đặc biệt là cách làm của những quốc gia được mệnh danh là khởi nghiệp thành công, qua đó tìm ra những giải pháp tạo sức bật thật sự cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Theo khảo sát, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) và các mô hình khởi nghiệp (startups).
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến xác đáng của những người bước đầu khởi nghiệp, có ý tưởng khởi nghiệp, các nhà quản lý… Đồng thời Thủ tướng khẳng định, sẽ thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo, tức là là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng xem xét về cơ chế “kích cầu” cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Thủ tướng, so với cách đây 2 năm, khi khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp”, đến nay có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Từ trước đến nay chưa bao giờ khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.
“Diễn đàn này đưa đến cơ hội cho nhiều đại diện ưu tú của cộng đồng khởi nghiệp trẻ với những dự án khởi nghiệp táo bạo gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và truyền lửa cho nhau. Rất nhiều bạn trẻ đã đạt được nhiều thành công ấn tượng ở phạm vi quốc tế. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt và cho đất nước”, Thủ tướng nói và cam kết Chính phủ sẽ quyết tâm, tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm và đặt khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới  mô hình tăng trưởng thời gian tới.

Các tin khác