Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Trong 3 ngày cuối của tháng 11 hàng loạt hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã diễn ra tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; đại diện các tổ chức quốc tế và các địa phương, sở ngành trong nước. Qua đó, một lần nữa khẳng định sự quyết tâm cam kết, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ nhằm tiếp tục thúc đẩy, lan tỏa mạnh mẽ hơn hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc.
Dám nghĩ dám làm
Với chủ đề: “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu”, sự kiện năm nay đã tập trung vào 8 lĩnh vực gồm: công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ du lịch, công nghệ 4.0, công nghệ tài chính, tác động xã hội và hỗ trợ khởi nghiệp đã được tổ chức với những nội dung thiết thực cùng sự tham gia chia sẻ, thảo luận của các nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, để khởi nghiệp thành công, cần thiết phải thay đổi suy nghĩ, hãy nhìn vào những vấn đề thực tế, phải hiểu người dân muốn gì, doanh nghiệp muốn gì, Chính phủ muốn gì, đó là “bài toán” và khi có “bài toán” nhiều người muốn tìm câu trả lời sẽ có ý tưởng, khi ý tưởng tốt thì sẽ có khởi nghiệp. 
“Làm startup không thể đòi hỏi thuận lợi hay phải gắn ngay với thế giới, toàn cầu hay phải trở thành công ty triệu đô, tỷ đô. Trước hết, hãy bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực hàng ngày, từ những việc rất nhỏ liên quan đến giáo dục, đi lại, khám chữa bệnh của người dân, nông nghiệp… Và khi có ý tưởng khác với những người khác đang làm, các bạn hãy bắt đầu. Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng đừng quên phải cụ thể, thiết thực, quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm. Cùng với đó là phải có sự kết nối, hình thành mạng lưới, hệ sinh thái khởi nghiệp” - Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan những mô hình trưng bày ý tưởng khởi nghiệp. 
Báo cáo tại Techfest 2018 cho biết, đến thời điểm hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia phát triển rất mạnh mẽ với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC… Đã có hơn 40 cơ sở ươm tạo (BI), tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Các hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương cũng đã  được xây dựng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã gọi thành công những khoản đầu tư lớn và đang mở rộng ra thị  trường khu vực và quốc tế như Foody, Kyber Network, Tiki, Sendo… Đặc biệt, hiện tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ảnh 3 Lễ ký kết các văn bản hợp tác tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao. 
Cơ hội, vận hội mới cho khởi nghiệp
 Techfest 2018 thu hút gần 5.500 lượt người tham dự, 250 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm; 250 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, còn có đại diện các cơ quan phụ trách khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tại các nước ASEAN; đại diện Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN)… Đặc biệt, hơn 160 cuộc kết nối đầu tư sâu từ trước và trong sự kiện được thực hiện với con số quan tâm đầu tư lên đến 7,86 triệu USD.
Thống kê cho thấy, chỉ qua 2 năm 2017 và 2018, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam diễn ra rất sôi động. Riêng năm 2018, các tập đoàn kinh tế lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như Vinacapital thành lập quỹ đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH&CN có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD, để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ. 
2018 cũng là năm ghi nhận sự thành công của các startup Việt với những khoản gọi vốn đầu tư lớn. Điển hình có thể kể đến Foody, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến, gọi vốn thành công thu về 64 triệu USD;  Tiki.vn, trang thương mại điện tử nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; Sendo.vn, sàn giao dịch điện tử gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á. Không chỉ có startup Việt hoạt động ở trong nước mà cả startup Việt được thành lập ở nước ngoài cũng gặt hái thành công như Misfit, GotIt hay Kyber Network. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt, ý chí người Việt đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới.
Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Đây là kết quả của sự chủ động vào cuộc tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước. Đây cũng là kết quả đáng khích lệ sau hơn 1 năm triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) Thủ tướng đã giao Bộ KH&CN chủ trì.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ảnh 4 Đội Abivin, đơn vị cung cấp giải pháp “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên nền tảng AI dành cho các doanh nghiệp” đạt giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.  
Tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không nhất thiết mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao, cũng không nhất thiết từ những điều lớn lao mà nhiều khi từ những công việc giản dị, những điều bình thường với những giải pháp mới sáng tạo mới. 
Đồng thời Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ cùng các bộ ngành, địa phương xem hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiêp là ưu tiên hàng đầu để hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực vào một cụm và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia, để Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thật sự là một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ, nơi các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà phát triển công nghệ, các cố vấn trong môi trường kỹ thuật số tương tác lẫn nhau.
“Trên bảng xếp hạng về các thương hiệu khởi nghiệp giá trị trên thế giới có 93 tên đến từ Việt Nam trong đó có một số thương hiệu xếp hạng top 500, top 1.000 của thế giới. Dù vậy con số 93 vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam. Chỉ số sáng tạo trên toàn cầu của Việt Nam khá cao, xếp thứ 45/126 nền kinh tế được xếp hạng. Xếp bằng tỷ số theo dõi doanh nhân toàn cầu, Việt Nam xếp 15/54 nền kinh tế được xếp hạng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn giải.
Có lẽ đây cũng là những số liệu cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cần ghi nhớ nhằm phát huy những lợi thế, khắc phục những hạn chế để trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang ngày càng lan tỏa và có sức hút mạnh mẽ.

Các tin khác