PHÓNG VIÊN: - Sau khi trở thành “cá mập” trong Thương vụ bạc tỷ mùa 2, cuộc sống và công việc của ông có bị ảnh hưởng gì không?
Shark DZUNG NGUYỄN: - Tham gia đầu tư vào nhiều công ty của Việt Nam trong suốt 11 năm qua, nhưng từ khi lên sóng truyền hình với độ phủ rộng cũng có một vài sự xáo trộn nhất định. Điều đầu tiên khiến tôi cảm thấy không được thoải mái lắm, bởi một số việc trong cuộc sống riêng tư như các thông tin cá nhân cũng bị khai thác nhiều hơn.
Ngoài ra, sau chương trình có rất nhiều bạn khởi nghiệp tìm đến tôi, nhưng vì quỹ thời gian có hạn cũng như nhiều mảng không nằm trong chuyên môn của mình, nên tôi không thể hỗ trợ hết. Vì thế ở một góc nhìn không tích cực, có người cho rằng tôi hơi “kiêu”.
Song cũng có điều thú vị, thông qua chương trình bạn bè người thân cũng hiểu hơn công việc đầu tư mạo hiểm, cũng như đầu tư vào mảng công nghệ mà lâu nay tôi vẫn làm. Chương trình với tính chuyên môn sâu cũng rất hữu ích cho các startup, khi họ được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư, quỹ đầu tư mà vốn trước đây họ rất mơ hồ về điều này, và các quỹ như chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để giải thích.
- Người ta vẫn ngờ vực rằng truyền hình thực tế sẽ có sự sắp đặt trước, riêng với Thương vụ bạc tỷ thì sao, thưa ông?
- Trước khi tham gia mùa 2 tôi từng đặt câu hỏi, chương trình này có sự sắp xếp hay không. Nhưng khi tham gia rồi mới biết, các startup tham gia chương trình đều là ngẫu nhiên mà ban tổ chức đưa tới. Trước khi quay, chương trình gửi cho các nhà đầu tư thông tin cơ bản về startup tham gia trình bày trong các ngày quay.
Nhưng thực sự các shark cũng rất bận không có thời gian đọc, phần lớn là ngồi nghe tại trường quay và ra quyết định đầu tư ngay sau đó, nếu cảm thấy phù hợp. Thực ra các startup công nghệ tham gia chương trình có đến 80% là tôi từng gặp họ đâu đó, vì mảng chính của tôi lâu nay là công nghệ.
Cũng muốn chia sẻ thêm khi tham gia Thương vụ bạc tỷ các shark cũng bị áp lực rất lớn. Chúng tôi phải ký cam kết đầu tư với một số tiền nhất định, nên dù chưa ưng ý các shark cũng phải tìm startup để đầu tư. Với các shark tham gia hết chương trình còn có thêm thời gian, những shark khách mời chỉ xuất hiện vài tập thì áp lực càng lớn hơn.
Thời gian ra quyết định đầu tư quá ngắn, các tính toán đều ước lệ, đó là chưa kể nhiều startup còn vẽ ra những con số đẹp khi thuyết trình, nên việc nhầm lẫn xảy ra là bình thường. Chính vì thế, ngay sau chương trình chúng tôi sẽ có những buổi làm việc cùng startup để trải qua các vòng thẩm định trước khi vốn chính thức được rót.
- 11 năm qua ông đã cho thấy rõ “khẩu vị” đầu tư của mình là vào các startup công nghệ, ông có ý định chuyển hướng đầu tư hay không?
- Không, tôi sẽ vẫn tập trung vào những doanh nghiệp lấy công nghệ làm đòn bẩy trong kinh doanh. Mỗi người có một thế mạnh, và tôi cũng chỉ làm những điều trong thế mạnh của mình. Đây cũng là một lưu ý với các startup trước khi tìm đến các quỹ hoặc các nhà đầu tư, phải tìm hiểu kỹ “khẩu vị” của họ để khỏi mất thời gian cho cả hai bên.
Với thế mạnh của mình, khi tham gia đầu tư, tôi không chỉ đóng vai trò là một nhà đầu tư chỉ rót tiền, mà còn đồng hành cùng startup đó. Bởi hiện nay, khi gọi vốn các startup không chỉ quan tâm đến tiền, mà còn muốn tìm một người đồng hành đủ dài, đủ hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau để có thể phát triển doanh nghiệp của mình mạnh mẽ hơn, vì khởi nghiệp không phải là đoạn đường 1-2 năm, mà lâu hơn nhiều.
- Khi tham gia quản lý ở hai thị trường Việt Nam và Thái Lan, ông có dành nhiều hơn sự ưu ái cho các startup ở Việt Nam hay không? Ông có kỳ vọng Việt Nam sẽ có những startup kỳ lân?
- Tôi rất ưu ái thị trường Việt Nam, phần vì là người Việt nên am hiểu văn hóa, thói quen của người Việt hơn nhiều nhà đầu tư ngoại khác, phần vì tôi cũng muốn giúp các startup trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Về các startup kỳ lân của Việt Nam, nếu như cách đây khoảng 3 năm sẽ khó để nghĩ đến điều này vì thời điểm đó các startup phải rất chật vật để gọi được vài chục triệu USD. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, các startup Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn khi nhiều quỹ đầu tư rót tiền ở những giai đoạn sớm. Chất lượng startup hiện nay cũng tốt hơn, người tiêu dùng đang cởi mở hơn với những xu hướng mới.
Chính vì thế, những vòng gọi vốn vài chục triệu USD không còn quá khó với các startup công nghệ. Tôi kỳ vọng khoảng 3-5 năm nữa Việt Nam sẽ có những startup kỳ lân. Đó cũng là lý do tôi dành nhiều tâm huyết cho việc đầu tư và cùng xây dựng các doanh nghiệp tỷ đô.
- Xin cảm ơn ông.
Sau khi đầu tư vào nhiều startup, tôi đã hỗ trợ để họ có thể trải qua thêm được nhiều vòng gọi vốn từ các quỹ khác, với số tiền lên tới nhiều chục triệu USD. Đặc biệt, tôi sẽ không nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp mà thường chỉ đầu tư khoảng 10-30% cổ phần, để các nhà sáng lập an tâm đó vẫn là doanh nghiệp của họ, khi thành công chính họ là người được hưởng lợi nhiều nhất. |