Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Kỳ vọng cái không thể!

(ĐTTCO) - Trong dự thảo đề án Tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt trên 45%. 
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Kỳ vọng cái không thể!
Đây là mục tiêu đáng kỳ vọng nhưng làm sao để hiện thực hóa mục tiêu không đơn giản, thậm chí là không thể.
Bao năm qua chúng ta đều phụ thuộc nhập khẩu. Rồi khi năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, các ngành công nghiệp chính như dệt may, da giày, điện tử… đứng ngồi không yên vì lo thiếu nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Lúc này đầu tư CNHT để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu lại được đưa ra bàn thảo.
Những ý kiến “có cánh” đưa ra khi một số ngành tự chủ được phần lớn nguyên phụ liệu không chỉ giúp giảm phụ thuộc, còn có thể tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, trường hợp vải DN sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và Việt Nam (như Hàn Quốc) cũng được coi là xuất xứ hợp lệ.
Nhưng thực ra đó chỉ là lợi thế đã nhìn thấy nhưng chưa thể triển khai, bởi chiến lược đầu tư CNHT cho ngành may lại bỏ ngỏ. Năm 2020, ngành dệt may mang về kim ngạch xuất khẩu 32,25 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu 18,1 tỷ USD. 10 tháng năm 2021, toàn ngành mang về 32,3 tỷ USD, nhưng nhập khẩu chiếm 16,8 tỷ USD. 
Ở ngành điện tử con số đáng buồn hơn rất nhiều. Theo Cục Công nghiệp, Việt Nam nằm trong số quốc gia xuất khẩu điện tử lớn xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 trong ASEAN, nhưng 95% giá trị thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử chỉ khoảng 5-10%.
Các DN CNHT ngành điện tử trong nước có tham gia chuỗi giá trị nhưng đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản, hàm lượng giá trị thấp. Những năm qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa các nhà cung cấp Việt và DN FDI, nhưng kết quả vẫn không khá hơn, giá trị cung ứng còn rất khiếm tốn. 
Phát triển CNHT không thể không nhắc đến ngành công nghiệp ô tô từng được đặt rất nhiều kỳ vọng phát triển. Thế nhưng, sự bế tắc trong phát triển CNHT đã khiến kỳ vọng này vẫn dừng ở mơ ước.
Mục tiêu đề ra 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân 7-10%; trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Ngay trong dự thảo đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương cũng chỉ ra hạn chế trong quá trình triển khai đề án. Theo đó, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, dẫn đến phụ thuộc vào biến động của cung cầu thị trường thế giới, đặc biệt các biến động về giá.
Việt Nam cũng nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp. Và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu, với tỷ suất lợi nhuận rất thấp 5-10%, phụ thuộc chủ yếu vào DN FDI. 
Cho đến nay dù Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu dệt may, nhưng vẫn phải đầu tư CNHT ngành may mới có thể nâng giá trị gia tăng của sản phẩm. Đáng tiếc, CNHT cho ngành may đến nay vẫn bỏ ngỏ do chi phí đầu tư quá cao.
Theo ước tính, để đầu tư cho nhà máy sản xuất vải quy mô 10 triệu m/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng), con số quá sức với nhiều DN. Và để sản xuất được vải cần có ngành dệt, nhuộm. Trong khi đó, đầu tư dệt nhuộm ngoài cần vốn lớn, phải đảm bảo vấn đề môi trường để được địa phương đồng ý. 
Chưa hết, nếu đầu tư rồi, đầu ra cho sản phẩm như thế nào. Bởi nếu chỉ phục vụ cho DN trong nước có thể không hết công suất, còn xuất khẩu phải tính đến cạnh tranh về giá. Nhiều chuyên gia cho rằng để làm được, cần lựa chọn một vài ngành hàng mũi nhọn có thế mạnh để đầu tư, sau đó giải tiếp bài toán vốn ở đâu, DN tham gia khâu nào, kêu gọi đầu tư nước ngoài ở khâu nào và quan trọng nhất cơ quan nào sẽ theo sát và chịu trách nhiệm thực thi. 
 Để CNHT thực sự phát triển, chính sách của Nhà nước chỉ là điều kiện cần, quyết tâm của DN sẽ là điều kiện đủ. Bởi CNHT không thể là hành trình đầu tư ngắn hạn.

Các tin khác