Phát triển nhà ở xã hội, vốn đã sẵn sàng chỉ chờ pháp lý

(ĐTTCO) - Trước sự kêu gọi và ban hành các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội của Chính phủ, hiện nay có thể thấy rõ sự hào hứng vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản.

Nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) đang kỳ vọng gia tăng trong thời gian tới trên cả nước nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng, nhất là tại TPHCM, khi Chính phủ đã có chính sách khuyến khích, gói tín dụng hỗ trợ đã sẵn sàng. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đang tích cực triển khai kế hoạch tham gia đầu tư NƠXH.

Thời cơ đầu tư xây dựng

Trước sự kêu gọi và ban hành các chính sách ưu đãi cho NƠXH của Chính phủ, hiện nay có thể thấy rõ sự hào hứng vào cuộc của các DN đầu tư BĐS.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Tập đoàn Nam Long diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT, cho biết tập đoàn đã tìm hiểu, trao đổi với chính quyền một số tỉnh, thành và nhận thấy nhu cầu NƠXH rất lớn, các địa phương rất cần các nhà phát triển BĐS xây dựng căn hộ vừa túi tiền, đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân thu nhập thấp. Đây cũng là phân khúc mà Tập đoàn Nam Long đã triển khai thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua và đã lên kế hoạch phát triển NƠXH với cam kết xây dựng 20.000 căn hộ trong thời gian tới.

Một góc chung cư nhà ở xã hội Zen Tower (phường Thới An, quận 12, TPHCM)

Một góc chung cư nhà ở xã hội Zen Tower (phường Thới An, quận 12, TPHCM)

Đi kèm với chính sách khuyến khích hướng tới phát triển 1 triệu căn nhà NƠXH theo Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà và chủ đầu tư NƠXH cũng đã được công bố. Vì vậy, theo các DN BĐS, hiện là thời cơ để tiếp tục đẩy mạnh phân khúc NƠXH, nhà giá rẻ.

Trong bối cảnh đó, dựa trên cơ sở nguồn lực sẵn có với quỹ đất khoảng 100ha tại khu vực Nam bộ, Tập đoàn Thắng Lợi (trụ sở tại TPHCM) dự kiến dành ra khoảng 30ha đầu tư phát triển NƠXH.

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi, cho biết, DN đã đầu tư xây dựng nhiều phân khúc nhà ở, trong đó loại hình nhà giá rẻ khá phổ biến tại một số tỉnh, thành. Đối với chương trình NƠXH, từ nay đến năm 2030, tập đoàn đăng ký phát triển 100.000 căn, phấn đấu hoàn thành 50.000 căn vào năm 2025.

Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Bình Dương, Công ty Becamex IDC dự kiến năm 2023 tiếp tục xây dựng 20.000 căn NƠXH tại huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, với mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng.

Sớm tháo gỡ vướng mắc thủ tục

Nỗi lo lớn nhất hiện nay đối với thị trường BĐS là thủ tục pháp lý, trong đó NƠXH cũng không ngoại lệ. Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết phát triển NƠXH là chủ trương chung của Chính phủ nhưng ở mỗi địa phương lại có chính sách khác nhau. Trên bình diện chung, trước nhu cầu quá lớn của người dân, các DN đều mong muốn đóng góp phát triển NƠXH nhưng gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn…

“Các gói kích cầu của Chính phủ phải được khơi thông, có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, nên cho vay dài hạn 25-35 năm thì mới có cơ hội tiếp cận NƠXH được”, ông Nguyễn Văn Thanh Huy đề xuất.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng, DN muốn làm NƠXH nhưng không phải dễ. Nguồn vốn là quan trọng nhưng việc có quỹ đất được phê duyệt đầy đủ pháp lý càng quan trọng hơn.

“Mọi việc không đơn giản là DN đến làm việc với sở, ngành chức năng rồi sẽ được phê duyệt ngay thủ tục pháp lý, mà thực tế DN phải chờ rất lâu, điều đó làm ảnh hưởng lớn đến chi phí của DN”, ông Ngô Quang Phúc nói. Do vậy, theo ông Phúc, cách nhanh nhất để xây dựng NƠXH là các địa phương tạo ra quỹ đất, sau đó kêu gọi DN tham gia đấu thầu để rút gọn bớt thủ tục.

Thực tế, những vướng mắc pháp lý nói trên không chỉ “người trong cuộc” mới hiểu, mà ngay cụ thể từng dự án cũng đã nói lên điều đó. Năm 2022, Sở Xây dựng TPHCM đã phối hợp với các chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công, động thổ 5 dự án NƠXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân: dự án NƠXH (khối C) thuộc Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh); dự án NƠXH thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7); dự án NƠXH thuộc khu nhà ở tại phường Phú Hữu; dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung II; dự án NƠXH thuộc dự án khu nhà ở phường Long Trường (cùng ở TP Thủ Đức).

Tuy nhiên, sau thời gian động thổ, khởi công đến nay, các dự án vẫn… bất động. Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, đến nay chỉ có một dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng, các dự án còn lại vẫn đang thực hiện thủ tục pháp lý như gia hạn tiến độ, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000…

Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng TPHCM), nguyên nhân vướng mắc pháp lý các dự án NƠXH bởi bị tác động của nhiều luật, nhiều quy định. Nhằm giải quyết vấn đề này, trên cơ sở rà soát các vướng mắc, cần thiết phải hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm NƠXH rõ ràng các bước để kiểm soát tiến độ, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành.

Đặc biệt, TPHCM cũng kiến nghị các bộ ngành trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu, cho phép sắp xếp lại các dự án NƠXH trong dự án thương mại.

Các tin khác