Những tác động hiện hữu
Theo các nhà phân tích kinh tế thuộc Morgan Stanley (Mỹ), hoạt động sản xuất của DN Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã giảm xuống mức chỉ còn khoảng 30% so với trước. Morgan Stanley đánh giá, DN Trung Quốc chỉ có thể trở lại hoạt động bình thường vào cuối tháng 3 nếu tình hình dịch bệnh được khống chế. Song những diễn biến bất thường của dịch Covid-19 đã và đang khiến dự báo này trở nên mỏng manh hơn.
Ngoài hàng triệu DN được dự báo sẽ phá sản trong 1-3 tháng tới, ngay cả hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng đang trong cơn bĩ cực. Thậm chí, Ed Hyman, chuyên gia kinh tế kiêm Chủ tịch Evercore ISI, còn dự đoán nền kinh tế của quốc gia hơn 1 tỷ dân sẽ tăng trưởng 0% trong quý I.
Trên thực tế, các hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bị tê liệt kể từ khi chính phủ nước này phong tỏa các thành phố nhằm ngăn chặn việc lây lan Covid-19. Sản xuất trì trệ và nguy cơ phá sản của DN Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất và dịch vụ khu vực và thế giới bị “đứt gãy”, bởi lâu nay Trung Quốc vẫn được xem là “công xưởng” của thế giới. Tác động trực tiếp của sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc được cảm nhận ở khắp mọi nơi.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ nhiều năm qua, các ngành công nghiệp, chế biến, sản xuất, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Hiện nhiều DN cho biết chỉ còn đủ linh kiện phục vụ sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3.
Nhóm DN dệt may, da giày và túi xách cho biết chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 4, nên nhiều khả năng hàng loạt DN phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên phụ liệu. Các DN sản xuất, lắp ráp ô tô cũng lâm vào cảnh điêu đứng khi phụ thuộc tới 70% linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, hơn 50% DN lĩnh vực xây dựng, từ thép đến đồ nội thất đang gặp khó khăn trong tìm nguồn cung ứng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố tháng 2, tổng giá trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 1 chỉ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2019. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa cả nước trong tháng 1 thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội cải cách
Cơ hội cải cách
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc 2020 xuống 5,6%, giảm 0,4% so với ước tính hồi tháng 1. Năm nay IMF cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc độ tăng trưởng khoảng 0,1%. |
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2019 đạt 75,45 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong khi xuất khẩu cũng đạt mức 41,41 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ở chiều hướng tích cực đây là cơ hội để DN Việt tự sàng lọc, thay đổi để tham gia các chuỗi sản xuất khác, giảm sự phụ thuộc và rủi ro vào thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng nên nhìn nhận đây là cơ hội để DN thay đổi và phát triển lên trình độ cao hơn. Đó là thay vì gia công để xuất khẩu, DN Việt sẽ đi vào chiều sâu khi áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, gia tăng hàm lượng giá trị sản phẩm. “Trung Quốc không phải là thị trường duy nhất của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều thị trường lớn khác, đây đều là những cơ hội cho DN.
Thí dụ, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, DN Việt Nam sẽ có một thị trường đầy tiềm năng. Theo đó, DN Việt sẽ được ưu đãi thuế, có thêm thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất. Vấn đề là các DN phải thay đổi để tham gia sân chơi này” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, về dài hạn Việt Nam cần có chiến lược để phát triển nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng đến một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép, vải, vật liệu…, từ đó giảm tối thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.
Ngoài ra, cần tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực DN thông qua các giải pháp hỗ trợ tín dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo và phát triển thị trường cũng như nhiều ưu đãi thuế và đất đai.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng khủng hoảng từ dịch Covid-19 gây ra cũng chính là “vaccine liều cao”, là phép thử đối với “sức khỏe” của DN Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh cải cách, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, từng bước cân đối lại cấu trúc của nền kinh tế.
“Để làm được việc này, đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn và cả chấp nhận những thiệt thòi kinh tế ban đầu. Nhân tình hình này, kinh tế Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu, phải đổi mới sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, linh kiện, kênh hợp tác mới. Đây cũng nên xem là cơ hội và Việt Nam nên tận dụng điều này” - TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.