Tên mới, rồi sao?
Sau hơn 1 năm thâu tóm Metro Việt Nam, đầu năm 2017 nhà đầu tư đến từ Thái Lan quyết định đổi tên chuỗi 19 trung tâm của Metro thành MM Mega Market (MM). Chia sẻ với báo giới tại thời điểm đó, đại diện của MM cho biết từ năm 2018 mỗi năm sẽ xây dựng thêm 5 trung tâm mới. Thế nhưng đến nay, theo những thông tin được chia sẻ trên website của nhà bán lẻ này, MM hiện có 21 trung tâm trên toàn quốc, 4 trạm chung chuyển và 2 depot. Cũng tại thời điểm thay tên thương hiệu, MM còn cho biết sẽ có những thay đổi mọi mặt từ cải thiện hình ảnh, bài trí các trung tâm đến việc phát triển sản phẩm mới đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Gần đây nhất hồi đầu tháng 3, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chính thức ra thông báo tái định vị thương hiệu Big C đổi sang 2 mô hình mới là GO! và Tops market. Cụ thể 7 siêu thị Big C đổi tên thành Tops market, 5 đại siêu thị chuyển thành GO!. Ngoài ra, trong năm nay một số đại siêu thị Big C khác cũng đổi tên thành GO!. Bên cạnh việc đổi từ Big C qua GO! trong năm ngoái Central Retail cũng xây mới các siêu thị GO! tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Buôn Ma Thuột và Quảng Ngãi. Đáng chú ý, một vài thông tin cho biết kế hoạch sau tái định vị thương hiệu của Central Retail là sẽ mở rộng hơn 300 cơ sở trên toàn quốc. Nếu thực hiện được kế hoạch này Central Retail sẽ trở thành đối thủ nặng ký trên TTBL Việt Nam.
Ngoài 2 thương vụ này còn nhiều thương vụ thâu tóm khác trong ngành bán lẻ, như Saigon Coop mua lại chuỗi Auchan. Nhưng điều người tiêu dùng nhận thấy nhiều là hiệu ứng thương hiệu hơn là một cuộc chuyển mình bứt phá sau thâu tóm. Thí dụ, Metro ngoài cái tên mới MM không có nhiều thay đổi bên trong các trung tâm. Thậm chí sau hơn 4 năm đổi tên, với nhiều người tiêu dùng vẫn chỉ nhớ cái tên Metro thay vì MM. Hay việc Tập đoàn Central Retail khi mua được Big C, đã có nhiều quan ngại về khả năng thâu tóm thị trường, nhưng thực tế những năm đầu việc kinh doanh của đại gia này không như kỳ vọng, thậm chí còn thu hẹp quy mô so với lúc mua ban đầu.
Điều gì khiến các đại gia chưa thể mở rộng quy mô của mình sau những thương vụ đình đám. Có phải TTBL Việt Nam đã hết hấp dẫn? Thực tế, TTBL Việt Nam vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Trước khi có đại dịch Covid-19, TTBL nội luôn có mức tăng trưởng 2 con số. Đáng chú ý, ngay trong năm 2020 khi nhiều TTBL trên thế giới tăng trưởng âm, TTBL Việt Nam vẫn đạt doanh số kỷ lục hơn 172 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD so với năm 2019.
Thách thức và đổi thay
Thách thức và đổi thay
Cuối năm 2020 thông tin Emart rút khỏi thị trường Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Ngay sau đó nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin này. Vào Việt Nam từ năm 2015 (sau 5 năm khảo sát và nghiên cứu thị trường) đại siêu thị Emart đã là điểm đến của nhiều người tiêu dùng. Emart cũng từng đặt ra chiến lược đến 2020 sẽ phát triển lên 10 đại siêu thị. Nhưng điều khiến người ta chú ý là vì sao sau 5 năm vào Việt Nam, Emart lại không phát triển thêm đại siêu thị nào. Một trong những nguyên nhân chính được nói đến là nhà bán lẻ này khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng có diện tích lớn cho mô hình đại siêu thị.
Tương tự, nhà bán lẻ Nhật Bản là AEON cũng cho biết một trong những thách thức khi phát triển mô hình đại siêu thị là việc tìm những mặt bằng có diện tích lớn, chưa tính đến thời gian làm thủ tục. Đơn cử, trong buổi đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản, Tổng giám đốc AEON Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki, cho biết những dự án của họ tại Việt Nam thường tốn nhiều thời gian làm thủ tục, có dự án đợi hơn 1 năm để nhận giấy đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quỹ đất khó tìm nhưng đại siêu thị và trung tâm thương mại theo mô hình one stop shopping (một điểm đến đáp ứng mọi nhu cầu) lại đang rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội và TPHCM. Nhìn lại những ông lớn như MM hay GO!, đây liệu có phải là một trong những nguyên nhân khiến họ dù đổi tên thương hiệu nhưng chưa thể bứt tốc?
Trong khi những đại siêu thị gặp thách thức về mặt bằng, những siêu thị nhỏ hơn có vẻ gặp thuận lợi hơn khi chỉ cần mặt bằng quy mô nhỏ, giá thuê rẻ. Vậy nhưng, trong bối cảnh dịch hiện nay, các nhà bán lẻ cả lớn và nhỏ đều đứng trước thách thức về sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn. Đây cũng chính là điểm quan trọng khiến các nhà bán lẻ phải cân nhắc trong chiến lược mở rộng chuỗi của mình.
Thí dụ, những mặt hàng như rau quả, thịt, cá… người tiêu dùng thường thích trực tiếp mua hơn. Các hãng công nghệ như Grab, Be hay Baemin… đang làm thay đổi thói quen này, khi họ không chỉ giúp người người tiêu dùng mua hàng siêu thị online, mà ngay cả thực phẩm tại chợ truyền thống cũng được mua online. Trong chiến lược của Chính phủ mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa dịch vụ đạt trung bình 600USD/người/năm.
Trước những thách thức và sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, TTBL trong nước sẽ có những biến động không nhỏ. Những chiến lược cả chục, cả trăm siêu thị, đại siêu thị của các nhà bán lẻ Nhật, Thái, Hàn cần thời gian để kiểm chứng. |