Dow Jones chứng kiến phiên tăng mạnh
Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 742.76 điểm, tương đương 1.85%, lên 40,954.48 điểm. Chỉ số này đã đạt mức cao mọi thời đại và đóng cửa ở mức cao kỷ lục, đồng thời ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 6/2023. Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 bật hơn 3% trong phiên leo dốc thứ 5 liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 thêm 0.64% lên 5,667.20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ nhích 0.2% lên 18,509.34 điểm, mức tăng thấp hơn các chỉ số khác khi các cổ phiếu công nghệ phần lớn đứng ngoài đà leo dốc ngày thứ Ba.
Cổ phiếu công nghiệp hàng đầu Caterpillar nhảy vọt hơn 4%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 thuộc Dow Jones sau UnitedHealth. Cổ phiếu công ty bảo hiểm UnitedHealth bật tăng 6.5% sau kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn dự báo.
Lĩnh vực tài chính – một nhóm thị trường giá lên khác – cũng tăng sau khi kết quả lợi nhuận từ Bank of America và Morgan Stanley đều tốt hơn dự báo của các chuyên gia phân tích. Cổ phiếu Bank of America cộng hơn 5%, còn cổ phiếu Morgan Stanley tiến gần 1%.
Quá trình luân chuyển từ các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn sang các cổ phiếu vốn hoá nhỏ và mang tính chu kỳ bắt đầu cách đây một tuần khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ cho thấy lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm. Số liệu này được xem là một tín hiệu cho thấy lạm phát đang tiến gần mức mục tiêu 2% của Fed, và ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự báo xác suất 100% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. Việc hạ lãi suất được xem là thúc đẩy các công ty vốn hoá nhỏ và các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào chi phí đi vay so với các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, giàu tiền mặt đang tạo ra làn sóng lạc quan xung quanh cơn sốt trí tuệ nhân tạo.
Chỉ trong một tuần qua, chỉ số Russell 2000 đã leo dốc hơn 11%, còn Dow Jones vọt hơn 4%. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ nhích 0.4% trong cùng thời gian.
Đáng chú ý, cổ phiếu Nvidia và Alphabet đều giảm hơn 1% vào hứ Ba. Điều này đã nối dài đà suy giảm của các cổ phiếu này trong tuần qua khi phần còn lại của thị trường khởi sắc.
Dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ công bố vào thứ Ba càng củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư rằng Fed đã đạt được cái gọi là “hạ cánh nhẹ nhàng” đối với nền kinh tế. Doanh số bán hàng tháng 6 không thay đổi, trái ngược với dự báo giảm. Không gồm mặt hàng ô tô, doanh số bán hàng tháng 6 tại Mỹ tăng 0.4%, mức tăng mạnh hơn dự báo 0.1% từ Dow Jones.
Dầu giảm do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent mất 66 xu, tương đương 0.8%, xuống 84.19 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu WTI rớt 72 xu, tương đương 0.9%, còn 81.19 USD/thùng.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho rằng: “Dữ liệu kinh tế suy yếu hơn của Trung Quốc đặt ra một số nghi ngờ về việc liệu những người tham gia thị trường có lạc quan quá mức về triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc hay không?”
Cụ thể, dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 4.7% trong quý 2, tốc độ chậm nhất kể từ quý 1/2023 và thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 5.1% từ cuộc thăm dò của Reuters. Mức tăng trưởng này cũng chậm lại so với mức tăng 5.3% trong quý trước, bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái bất động sản kéo dài và tình trạng mất việc làm.
Tại Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm 15/07 cho biết 3 số liệu lạm phát của Mỹ trong quý 2 năm nay “tăng thêm phần nào niềm tin” rằng lạm phát đang quay lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương một cách bền vững, mà theo những người tham gia thị trường cho rằng việc chuyển sang hạ lãi suất có thể không còn xa nữa.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay, điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu.
Một số chuyên gia phân tích cảnh báo về việc tăng giá quá mức vì sự suy yếu trong một số dữ liệu kinh tế vĩ mô Mỹ vẫn có thể gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong ngắn hạn.