S&P 500 rớt khỏi mức cao kỷ lục
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 lùi 0.38% xuống 5,069.53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.13% còn 15,976.25 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones hạ 62.30 điểm, tương đương 0.16%, xuống 39,069.23 điểm.
Amazon đã gia nhập nhóm 30 cổ phiếu thuộc Dow Jones vào thứ Hai, thay thế Walgreens Boots Alliance. Tỷ trọng nắm giữ của Dow Jones được tính theo giá cổ phiếu, không phải vốn hoá thị trường. Việc bổ sung gã khổng lồ ngành thương mại điện tử sẽ làm tăng mức độ tiếp xúc của chỉ số này với lĩnh vực công nghệ và bán lẻ tiêu dùng. Cổ phiếu Amazon giảm 0.15%.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vào thứ Hai, cũng khiến chứng khoán chịu áp lực. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm khép phiên cộng 1 điểm cơ bản lên 4.276%.
Chứng khoán Mỹ bước vào tuần này với phong độ cao sau khi các chỉ số chính đã ghi nhận tuần thắng lợi với sự hỗ trợ từ kết quả lợi nhuận bùng nổ từ Nvidia. S& 500 và Dow Jones đều lập kỷ lục mới vào ngày 23/02.
Nhà đầu tư hiện đang chờ xem liệu động lực của trí tuệ nhân tạo AI có thể kéo dài khi rủi ro kinh tế và lạm phát dai dẳng hay không. Với suy nghĩ đó, họ cũng đang chờ đợi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE hàng tháng, một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến công bố vào ngày 29/02.
Theo Alex McGrath, Giám đốc đầu tư tại NorthEnd Private Wealth, hiện tại, đà khởi sắc nhờ sự hỗ trợ của AI có vẻ bền vững.
Giám đốc chiến lược đầu tư John Stoltzfus của Oppenheimer cho biết tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu đã tăng lên nhờ vào mùa báo cáo lợi nhuận tốt hơn mong đợi.
Doanh số bán nhà ở mới tháng 1 tại Mỹ thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế do lãi suất thế chấp vẫn cao. Doanh số bán nhà mới dành do hộ gia đình đạt 661,000 căn nhà trong tháng qua, tăng 1.5%, theo con số điều chỉnh mà Cục Điều tra Dân số và Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ công bố vào ngày thứ Hai. Tổng số nhà ở đã không đạt như ước tính từ Dow Jones lần lượt là 680,000 căn nhà và tăng 2.4%.
Một loạt báo cáo kinh tế sắp công bố trong tuần này, bao gồm dữ liệu về số đơn đặt hàng lâu bền tháng 1 công bố vào ngày 27/02 và số liệu hàng tồn kho bán buôn tháng 1 công bố vào ngày 28/02. Chi tiêu tiêu dùng và số liệu PCE sẽ công bố vào ngày 29/02.
Dầu tăng trước khả năng gián đoạn thương mại
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 91 xu, tương đương 1.11%, lên 82.53 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu WTI nhích 1.09 USD, tương đương 1.43%, lên 77.58 USD/thùng.
John Kilduff, Đối tác với Again Capital LLC, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều đang theo dõi dầu diesel.”
Sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu tại Mỹ và sự gián đoạn thương mại toàn cầu đã thắt chặt nguồn cung dầu diesel trong những tuần gần đây, làm giảm xuất khẩu dầu diesel cao kỷ lục từ Mỹ sang châu Âu trong tháng này.
Giá dầu diesel của Mỹ đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng với hơn 48 USD/thùng trong tháng này, làm hạn chế cơ hội kinh doanh chênh lệch giá để vận chuyển nhiên liệu sang châu Âu.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết phiến quân Houthi đã suýt đánh trúng một tàu chở dầu mang cờ Mỹ vào ngày 24/02. Một chiếc tàu khác bị phiến quân này tấn công vào tuần trước đã bị bỏ rơi và người ta thấy nhiên liệu bị rò rỉ ở Biển Đỏ.
“Khả năng gián đoạn là điều đang ám ảnh thị trường hiện nay,” ông Kilduff nói.
Theo chuyên gia phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group, trong khi giao dịch vào sáng ngày thứ Hai chủ yếu được thúc đẩy bởi những lo ngại về lạm phát kéo dài hạn chế nhu cầu, trọng tâm chú ý đã chuyển sang một vấn đề cơ bản hơn.
Ông Flynn cho rằng: “Có vẻ như chúng ta đang quay trở lại vấn đề nguồn cung. Nhu cầu rất mạnh và suy cho cùng, đó là vấn đều về cung cầu”.
Các nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ bắt đầu khôi phục sản xuất vào tháng 3 sau khi hoàn thành việc bảo dưỡng nhà máy theo kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết công suất sử dụng nhà máy lọc dầu của Mỹ vào tuần trước đạt mức 80.6% công suất quốc gia trong 2 tuần qua.
Giá dầu đã dao động trong khoảng 70 – 90 USD/thùng kể từ tháng 11/2023, khi nguồn cung của Mỹ tăng và lo ngại về nhu cầu suy yếu của Trung Quốc đã lấn át việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ bất chấp chiến tranh đang nổ ra ở Ukraine và Gaza.