
S&P 500 đứt mạch 9 phiên tăng liền
Kết phiên, chỉ số S&P 500 mất 0,64% xuống 5.650,38 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,74% còn 17.844,24 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 98,60 điểm, tương đương 0,24% xuống 41.218,83 điểm. Chỉ số S&P 500 bước vào phiên giao dịch với chuỗi leo dốc 9 phiên liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2004.
Tại mức thấp nhất trong phiên, Dow Jones rớt tới 253,99 điểm, S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất 1% trước khi xoá bớt mức giảm. Dữ liệu công bố vào ngày thứ Hai từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) phản ánh hoạt động của ngành dịch vụ mạnh hơn dự báo trong tháng 4, ngay cả khi các giám đốc điều hành doanh nghiệp báo cáo mối lo ngại gia tăng về thuế quan.
Tâm lý thị trường cũng được cải thiện sau khi Bloomberg đưa tin rằng Ấn Độ đã đề xuất áp thuế bằng 0 đối với thép, linh kiện ô tô và dược phẩm trên cơ sở đối ứng và lên đến một lượng hàng nhập khẩu nhất định.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn không chắc chắn về mốc thời gian các thoả thuận thuế quan sẽ đạt được giữa Mỹ và các quốc gia khác.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, vào ngày thứ Hai cho biết “chúng ta đang rất gần với một số thoả thuận,” lặp lại bình luận của ông Trump vào ngày 4/5 rằng các thoả thuận có thể đạt được sớm nhất là trong tuần này.
Ông Trump nói với các phóng viên hôm 4/5 rằng “chúng tôi đang đàm phán với nhiều quốc gia, nhưng sau khi đàm phán xong, tôi sẽ tự đặt ra các thoả thuận của riêng mình – vì tôi đặt ra thoả thuận, họ không đặt ra thoả thuận.” Ông Trump nói thêm rằng ông không có kế hoạch trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dập tắt hy vọng rằng đang có tiến triển trong việc xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong cùng ngày, ông Trump cũng đã uỷ quyền cho các cơ quan chính phủ có liên quan bắt đầu áp dụng mức thuế 100% đối với các bộ phim được sản xuất ở nước ngoài, gọi những nỗ lực từ các quốc gia khác nhằm thu hút các nhà sản xuất phim là “mối đe doạ an ninh quốc gia.” Vẫn chưa rõ liệu các khoản thuế có tác động đến các bộ phim được chiếu tại rạp hay các bộ phim trên các dịch vụ phát hành trực tuyến. Cổ phiếu Netflix mất gần 2%, còn cổ phiếu Paramount giảm hơn 1% vào thứ Hai.
Phố Wall đang chờ đợi cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu vào ngày 6/5, với quyết định về lãi suất dự kiến sẽ công bố vào ngày 7/5.
OPEC+ thống nhất tăng sản lượng
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI mất 1,16 USD, tương đương 2% còn 57,13 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Hợp đồng dầu Brent lùi 1,06 USD, tương đương 1,7% xuống 60,23 USD/thùng. Giá dầu đã sụt 20% từ đầu năm đến nay.
8 nhà sản xuất trong nhóm OPEC+, dẫn đầu là Ả-rập Xê-út, đã đồng ý hồi ngày 3/5 sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6. Quyết định này được đưa ra 1 tháng sau khi OPEC+ khiến thị trường bất ngờ khi đồng ý tăng sản lượng vào tháng 5 với cùng mức tăng.
Mức sản lượng tăng trong tháng 6 gần gấp 3 lần so với mức 140.000 thùng/ngày mà Goldman Sachs dự báo ban đầu. Các động thái này có nghĩa là OPEC+ đang đưa thêm hơn 800.000 thùng/ngày vào thị trường trong vòng 2 tháng.
Giá dầu trong tháng 4 ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2021, khi mức thuế quan cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tăng lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm chậm nhu cầu dầu, trong khi OPEC+ đang đẩy nhanh tăng nguồn cung.
Các công ty dịch vụ như Baker Hughes và SLB đang dự báo hoạt động đầu tư vào thăm dò và sản xuất sẽ giảm trong năm nay do môi trường giá yếu.
Các công ty dầu mỏ lớn Chevron và Exxon đã báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên vào tuần trước, kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2024 do giá dầu thấp hơn.