Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 39,11 điểm, tương đương 0,11%, đóng cửa ở mức 35.360,73 điểm. S&P 500 mất 0,13% và chốt phiên với 4.522,68 điểm. Nasdaq Composite chỉ giảm 0,04% xuống 15.259,24 điểm.
Thứ Ba đánh dấu ngày giao dịch cuối cùng của tháng 8 và các chỉ số chính đã ghi nhận mức tăng vững chắc trong khoảng thời gian này. Chỉ số S&P 500 đã tăng 2,9% trong tháng này, trong khi Nasdaq Composite tăng khoảng 4%, thăng hoa 3 tháng liên tiếp. Chỉ số blue-chip Dow kém khởi sắc hơn nhưng vẫn tăng 1,2%.
Đối với S&P 500, đây là chuỗi tăng điểm nhất kể từ đà tăng liên tiếp 10 tháng kết thúc vào tháng 12/2017. Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận diễn biến tích cực thứ 9 của chỉ số này trong 10 tháng qua. Một số chuyên gia Phố Wall tin rằng S&P 500 sẽ có nhiều khả năng tăng giá ở phía trước.
Đà tăng mạnh mẽ của S&P 500 diễn ra ngay cả khi biến thể Delta lây lan đã làm dấy lên lo ngại về con đường phục hồi kinh tế. Vào thứ Ba, Alphabet - công ty mẹ của Google đã hoãn kế hoạch kêu gọi nhân viên tự nguyện trở lại văn phòng từ giữa tháng 10 sang tháng 1.
Trong khi đó, 10 trong số 11 lĩnh vực trong S&P 500 đã tăng điểm trong tháng 8, dẫn đầu là tài chính với mức tăng 5%.
Ở phiên này, S&P 500 vẫn có diễn biến tích cực dù các cổ phiếu "thay phiên" nhau trồi sụt. Nike là một trong những hãng giảm điểm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones, giảm gần 2%. Các cổ phiếu vật liệu bao gồm Nucor và công ty hóa chất Dow cũng chật vật.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 20% và tăng hơn gấp đôi kể từ mức thấp nhất của đại dịch vào tháng 3 năm 2020. Lợi nhuận vượt trội của các doanh nghiệp là yếu tố thúc đẩy định giá cho cổ phiếu. Khi mùa báo cáo tài chính quý II kết thúc, S&P 500 đang trên đà ghi nhận lợi nhuận tăng 95,4% - cao nhất kể từ quý IV/2009.