Cổ phiếu Tesla tăng vọt 6%
Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 10,87 điểm, tương đương 0,03%, lên 34.418,47. S&P 500 nhích 0,12% lên 4.455,59, trong khi Nasdaq Composite cộng 0,21% lên 13.816,77.
Cổ phiếu Tesla tăng 6,9% sau khi nhà sản xuất xe điện báo cáo số lượng giao hàng và sản xuất vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia phân tích. Các cổ phiếu xe điện khác bao gồm Rivian, Fisker và Lucid cũng lần lượt tăng theo.
Phiên giao dịch rút ngắn ngày thứ Hai đánh dấu sự khởi đầu của một tháng, quý và nửa cuối năm mới. Vào thứ Sáu, Nasdaq Composite đã đóng cửa mức tăng nửa đầu năm lớn nhất kể từ năm 1983, bức phá 31,7%, trong khi S&P 500 leo dốc 15,9%, đánh dấu hiệu suất nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 2019. Chỉ số Dow Jones tụt lại, chỉ tăng khiêm tốn 3,8% trong giai đoạn này.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ sự nhiệt tình xung quanh trí tuệ nhân tạo đã thúc đẩy cổ phiếu công nghệ. Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có khả năng phục hồi bất chấp lãi suất cao hơn cũng nâng cao tâm lý nhà đầu tư, giảm bớt một số lo ngại ở Phố Wall về một cuộc suy thoái.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của ISM trong tháng 6 kém hơn một chút so với dự kiến. Chỉ số PMI của tháng 6 một lần nữa dưới 50, báo hiệu rằng hoạt động kinh tế đang suy giảm. Cuối tuần, các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu về thị trường việc làm.
Saudi, Nga thông báo cắt giảm sản lượng trong tháng 8
Hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Saudi hôm thứ Hai cho biết họ sẽ gia hạn cắt giảm tự nguyện một triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent tiến 0,6%, tương đương 43 cent, ở mức 75,84 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ thêm 0,6%, tương đương 39 cent, lên 71,03 USD. Vào đầu phiên ngày thứ Hai, giá dầu đã giảm sau khi các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy hoạt động của các nhà máy toàn cầu sụt giảm trong tháng 6 do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và châu Âu đã che mờ triển vọng của các nhà xuất khẩu.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho hay: “Dầu đang đối mặt với những rào cản kinh tế nghiêm trọng và thị trường đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của việc cắt giảm thêm dầu thô trong bối cảnh đó.”
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga, vốn đang tìm cách thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu và tăng giá cùng với Saudi Arabia, sẽ giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày vào tháng 8.
Việc cắt giảm lên tới 1,5% nguồn cung toàn cầu và nâng tổng số cam kết của các nhà sản xuất dầu OPEC+ lên 5,16 triệu thùng/ngày.
Riyadh và Moscow đang cố gắng đẩy giá lên. Dầu Brent đã giảm từ mức 113 USD/thùng cách đây một năm, do lo ngại về suy thoái kinh tế và tình trạng dư cung.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục làm giảm nhu cầu nhiên liệu vào thứ Sáu khi lạm phát của Hoa Kỳ tiếp tục vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, làm dấy lên lo ngại về việc tiếp tục tăng lãi suất.
Lãi suất cao hơn của Hoa Kỳ có thể củng cố đồng đô la, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.