Dow Jones trên đà giảm tuần thứ ba liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trượt 431,20 điểm, tương đương 1,26%, đóng cửa ở mức 33.696,85. S&P 500 sụt 1,38% xuống 4.090,41 và Nasdaq Composite rớt 1,78%, khép phiên ở mức 11.855,83. Đà lao dốc của Microsoft và Disney đóng góp nhiều nhất vào sự sụt giảm của Dow, khi lần lượt bốc hơi 2,66% và 3,12%. Cổ phiếu của Tesla cũng giảm 5,69% sau khi thu hồi xe, ảnh hưởng đến S&P 500.
Chứng khoán Mỹ trượt dốc sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng Giêng, một thước đo lạm phát khác, tăng 0,7%, trong khi các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự kiến mức tăng 0,4%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu bất ngờ giảm trong tuần kết thúc vào ngày 11/02, theo báo cáo của Bộ Lao động.
Dữ liệu mới được đưa ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và báo cáo doanh số bán lẻ của tháng 1/2023 đều cao hơn dự kiến, cho thấy Fed có thể phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chế ngự lạm phát.
Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng danh mục đầu tư mô hình tại Morgan Stanley nhận định: “Cả hai chỉ số lạm phát trong tuần này đều chỉ ra sự dính chặt của lạm phát và cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, đặc biệt khi xem xét chỉ số PPI hôm nay là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ đầu mùa hè.”
Ông nói thêm rằng số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm cho thấy thị trường lao động vẫn còn chặt chẽ.
Loewengart cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi thấy thị trường tạm lắng khi hy vọng về một chính sách ôn hòa của Fed trong những tháng tới mờ dần. Điểm mấu chốt là các nhà đầu tư nên nhận ra rằng lạm phát có thể không trở lại mức bình thường nhanh như nhiều người hy vọng, và cùng với đó có thể có nhiều biến động hơn.”
Bên cạnh đó, nhận xét từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang St. Louis James Bullard rằng ông đã ủng hộ việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp trước và có thể thấy mức tăng như vậy vào tháng 3 cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cũng cho biết bà ủng hộ một đợt tăng lãi suất lớn hơn.
Dầu giảm nhẹ trước dữ liệu kinh tế mới của Hoa Kỳ
Khép phiên, dầu thô Brent giao sau ổn định ở mức 85,14 USD/thùng, giảm 24 cent. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ ổn định ở mức 78,49 USD/thùng, giảm 10 cent.
Trong khi dữ liệu của Hoa Kỳ cho thấy thị trường việc làm của Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ, thì thước đo sản xuất ở khu vực giữa Đại Tây Dương bất ngờ lao dốc.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester cho hay ngân hàng trung ương có thể trở nên “hung hăng” hơn với việc tăng lãi suất nếu lạm phát bất ngờ tăng lên. Dữ liệu mới nhất về lạm phát cho thấy giá cả vẫn ở mức cao. Nhưng Mester không cho rằng nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Đồng đô la nhanh chóng leo lên mức cao nhất trong sáu tuần so với rổ tiền tệ sau dữ liệu mới của Hoa Kỳ, gây áp lực lên giá dầu, do đồng đô la mạnh khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS đánh giá: “Dầu Brent một lần nữa thất bại trong việc vượt lên trên đường trung bình động 100 ngày trong tuần này.”
Theo đó, giá dầu Brent chuẩn dao động trong phạm vi 80-90 USD/thùng trong 6 tuần qua, trong khi WTI dao động trong khoảng 72-83 USD kể từ tháng 12/2022.
Mặt khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm sóa COVID-19. Triển vọng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc đã góp phần vào tâm lý lạc quan.
Về phía cung, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thỏa thuận hiện tại của OPEC+ nhằm cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu 2 triệu thùng mỗi ngày (bpd) sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng ông vẫn thận trọng về nhu cầu của Trung Quốc.