Phố Wall rực xanh sau báo cáo lạm phát PPI; Dầu WTI giảm 2%

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào thứ Ba (13/08), tiến gần hơn đến mức cao kỷ lục đã ghi nhận vào tháng trước, sau báo cáo đầu tiên trong số 2 báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ trong tuần này. Ngược lại, giá dầu WTI giảm 2%, khi nhu cầu toàn cầu suy yếu đã làm lu mờ căng thẳng giữa Iran và Israel.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Phố Wall rực xanh sau báo cáo lạm phát PPI; Dầu WTI giảm 2%

Dow Jones tăng 400 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 408 điểm, tương đương 1.04%, lên 39,765.64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 2.43% lên 17,187.61 điểm, còn chỉ số S&P 500 cộng 1.68% lên 5,434.43 điểm. Chỉ số này hiện thấp hơn khoảng 5% so với mức cao kỷ lục kể từ tháng 7/2024.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 – thước đo giá bán buôn – nhích 0.1% so với tháng trước, thấp hơn so với dự báo tăng 0.2% từ các chuyên gia kinh tế, trùng khớp với số liệu của tháng trước.

Số liệu PPI đã khuyến khích nhà đầu tư trước khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được theo dõi rộng rãi hơn công bố vào sáng ngày 14/08, dự kiến sẽ tăng 0.2% so với tháng trước, tăng từ mức giảm 0.1% trong tháng trước đo. Dữ liệu có thể đưa ra một hướng đi nào đó cho thị trường vốn đang bất định sau những biến động mạnh vào tuần trước.

Đà tăng ngày thứ Ba đã góp phần nối dài đà leo dốc vào cuối tuần trước, khi thị trường tiếp tục phục hồi sau đợt bán tháo mạnh hôm 05/08. Kể từ lần đóng cửa đó, S&P 500 đã thêm 4.2%.

Biến động cũng giảm mạnh kể từ đó. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, dao động dưới mức 20 vào ngày thứ Ba sau khi vọt trên 65 vào tuần trước.

Cổ phiếu Starbucks bật tăng 24.5% sau khi chuỗi cửa hàng cà phê bổ nhiệm giám đốc điều hành hiện tại của Chipotle, Brian Niccol, làm giám đốc điều hành tiếp theo. Cổ phiếu Chipotle bốc hơi 7.5%.

Dầu giảm khi nhu cầu toàn cầu suy yếu

Thị trường đã chuyển tập trung chú ý lại các yếu tố cơ bản sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều cho biết mức tiêu thụ dầu chậm lại ở Trung Quốc trong tuần này.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI hạ 1.71 USD, tương đương 2.14%, xuống 78.35 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 1.61 USD, tương đương 1.96%, còn 80.69 USD/thùng.

Theo IEA, nhu cầu dầu thế giới tiếp tục giảm khi sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đã đi đến hồi kết. IEA cho biết nhu cầu toàn cầu trong quý 2 tăng với tốc độ chậm nhất, đạt 710,000 thùng/ngày, kể từ cuối năm 2022.

OPEC vào ngày 12/08 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu 135,000 thùng/ngày trong năm nay do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. IEA dự báo thặng dư dầu thô trong năm 2025 ngay cả khi OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng, do sản lượng tăng ở Brazil, Canada, Guyana và Mỹ.

Dầu WTI đã tăng vọt hơn 4% trong phiên trước đó khi Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Iran và Lầu Năm Góc đẩy nhanh triển khai nhóm tấn công tàu sân bay để bảo vệ đồng minh của mình.

Thị trường đang theo dõi những nỗ lực ngoại giao của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Các tin khác