Các nhà giao dịch nóng lòng chờ báo cáo việc làm
Khép phiên, chỉ số Dow Jones mất 9,98 điểm, tương đương 0,03%, đóng cửa ở mức 33.119,57. S&P 500 giảm 0,13% xuống 4.258,19 và Nasdaq Composite hạ 0,12%, còn 13.219,83.
Cổ phiếu các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đầu mức giảm của thị trường vào thứ Năm. Theo đó, cổ phiếu của công ty nước giải khát Molson Coors sụt 6,3%, tiếp theo là Mondelez International và Clorox, mỗi hãng đều bốc hơi hơn 5%.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đạt 207.000 trong tuần kết thúc vào ngày 30/9, chỉ tăng 2.000 so với tuần trước đó. Các nhà kinh tế đã dự đoán con số này là 210.000. Mặc dù số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng nhẹ khớp với kỳ vọng của Phố Wall, nhưng nó khiến một số nhà đầu tư thất vọng, khi kỳ vọng dữ liệu hàng tuần có thể cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động và sẽ chấm dứt đợt tăng lãi suất đang gây tổn hại cho chứng khoán.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ban đầu tăng lên sau báo cáo trợ cấp thất nghiệp trước khi giảm dần ở mức 4,714%.
Chứng khoán tăng nhẹ vào thứ Tư sau khi dữ liệu mới nhất từ ADP báo hiệu cho các nhà đầu tư rằng thị trường lao động đang bắt đầu nới lỏng.
Dù vậy, Dow Jones vẫn đang ghi nhận đà giảm 1.16% trong tuần qua sau phiên bán tháo hôm thứ Ba từng khiến chỉ số này giảm điểm trong năm 2023. Trong khi đó, S&P 500 cũng mất 0.7% tính từ đầu tuần đến nay trong khi Nasdaq gần như đi ngang.
Giá dầu giảm khoảng 2%
Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu và giá dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ đã giảm khoảng 10 USD/thùng trong vòng chưa đầy 10 ngày sau khi tăng gần 100 USD vào cuối tháng 9.
Tổng mức sụt giảm trong hai ngày qua là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 đối với cả hai loại dầu chuẩn.
Kết phiên, giá dầu Brent lùi 1,74 USD, tương đương 2,03%, xuống 84,07 USD, trong khi giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ sụt 1,91 USD, tương đương 2,3%, còn 82,31 USD.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận giao dịch tại BOK Financial cho biết, các nhà đầu tư đang lo lắng rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đã đạt mức cao nhất.
Dầu giảm hơn 5 USD vào thứ Tư - mức giảm hàng ngày lớn nhất trong hơn một năm, ngay cả sau cuộc họp của hội đồng cấp bộ trưởng OPEC+.
Dữ liệu của chính phủ hôm thứ Tư cũng cho thấy nhu cầu xăng dầu của Mỹ giảm mạnh. Trong khi đó, theo kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy nền kinh tế khu vực đồng euro có thể suy giảm trong quý trước.
Đồng đô la Mỹ giảm giá nhưng vẫn tiếp tục duy trì gần mức cao nhất trong 11 tháng, khiến dầu thô trở nên đắt hơn đối với người mua nước ngoài.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đường ống dẫn dầu thô từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã bị đình chỉ khoảng sáu tháng, đã sẵn sàng hoạt động.