Ngày 19-8, Công ty Savills Việt Nam cho biết sự kiện trực tuyến HoSkar Night tháng 8 quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam và khu vực, cùng hàng trăm đại diện cấp cao đến từ các khách sạn, resort trong và ngoài nước tham gia, một vài điểm sáng trong bức tranh thị trường đã được chia sẻ.
Trong số hơn 200 người tham gia khảo sát ở sự kiện, khoảng 50% lựa chọn Phú Quốc là địa điểm phục hồi sớm nhất vào năm 2022 của Việt Nam, tiếp đến là Hội An. Trong khi đó, Nha Trang - Cam Ranh hay Vũng Tàu... được cho là sẽ phục hồi chậm hơn.
Các điểm đến nghỉ dưỡng gần với thành phố lớn có thể tiếp cận bằng ô tô cũng nhận được nhiều kỳ vọng về triển vọng phục hồi, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới.
Các chuyên gia cũng dự báo phân khúc khách sạn 4 sao sẽ bắt nhịp hồi phục nhanh hơn so với phân khúc 5 sao, với gần 78% lượt bình chọn. Ngoài ra, có đến hơn 72% người theo dõi sự kiện Hoskar đánh giá, việc sụt giảm nguồn khách quốc tế vẫn sẽ là trở ngại chính của ngành du lịch trong năm 2022 và 2023.
Trong khi chưa thể đón khách quốc tế, một vài khách sạn ở TP.HCM hoạt động trở lại để cung cấp dịch vụ lưu trú cho các doanh nghiệp sản xuất thực hiện phương án "1 cung đường, 2 điểm đến".
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thuê các khách sạn 3-4 sao, cũng như một vài khách sạn 5 sao cho nhân viên lưu trú và thực hiện đưa đón từ công ty đến khách sạn mỗi ngày, nhằm đáp ứng yêu cầu của thành phố trong việc đảm bảo yêu cầu "vừa cách ly vừa sản xuất".
Các khách sạn cũng nhận được yêu cầu đặt phòng từ các nhóm khách đoàn là y bác sĩ, và lực lượng phòng chống dịch. Các khách sạn này thông thường nằm ở vị trí thuận tiện để tiếp cận các bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ theo quy định của sở ban ngành liên quan trong công tác phòng dịch.
Theo các chuyên gia, COVID-19 một mặt nào đó đang góp phần thúc đẩy việc hình thành và phát triển những xu hướng và hành vi tiêu dùng mới với tốc độ nhanh hơn.
Đã có một số khách sạn cũng tận dụng cơ hội này để nâng cấp tiện ích, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất nhằm có thể đem đến những trải nghiệm mới và đáp ứng những thay đổi trong tiêu chuẩn dịch vụ từ phía khách hàng sau đại dịch.
Hiện một số ứng dụng đã được khách sạn sử dụng như menu điện tử thông qua quét mã QR trong hoạt động dịch vụ nhà hàng, hạn chế tiếp xúc vật lý thông qua công nghệ không điểm chạm (contactless) xuyên suốt quá trình lưu trú của khách, check-in online, ứng dụng AI trong hoạt động khách sạn…