Hôm nay 29-6, Chính phủ sẽ có phiên họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015. Trước thềm phiên họp, một thông tin tích cực đã được Tổng cục Thống kê công bố: GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt mức tăng trưởng 6,28% (trong đó quý I tăng 6,08%; quý II tăng 6,44%), cao hơn mức 6,11% Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra trước đó, đồng thời cũng là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 10 năm trở lại đây.
Trong bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế, đáng chú ý sản xuất công nghiệp có bước chuyển mình khá ấn tượng. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 9,3%; quý II tăng 10,2%), cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2012 tăng 6,1%; năm 2013 tăng 5%; năm 2014 tăng 6%).
Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 8,2%, đóng góp 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10%, đóng góp 7 điểm phần trăm... Một biểu hiện khác cho thấy tăng trưởng đã phục hồi rõ nét là nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên. Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.572 ngàn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây.
Trong giai đoạn trước, sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp không trùng pha với đà tăng trưởng, nay vấn đề này đã dần đi vào quỹ đạo. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 45.406 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 282,4 ngàn tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 27.051 doanh nghiệp, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Một dữ liệu khác cũng rất tích cực là số ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8.507 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ qua các số liệu thống kê trên vẫn chưa đủ để yên tâm, bởi yếu tố tăng trưởng bền vững vẫn còn mong manh. Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhưng cũng tỏ ra lo lắng khi xuất khẩu đang gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, khu vực nông nghiệp - trụ cột của nền kinh tế có dấu hiệu giảm sút khiến đời sống của nông dân gặp không ít khó khăn.
Trong mức tăng 6,28% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua), đóng góp vẻn vẹn 0,42 điểm phần trăm cho tăng trưởng chung. Một vấn đề khác là nhập siêu đã trở lại và có xu hướng tăng nhanh. Trong 6 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,4% của 6 tháng năm 2014.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng ước tính đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 10,5% của cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tính đến thời điểm này, nước ta đã nhập siêu 3,8 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 1,9 tỷ USD. Đó là chưa kể đến việc lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam 6 tháng qua đã sụt giảm hơn 11,3%; thu hút vốn FDI cũng chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái…
Để đạt được mục tiêu vượt thoát khỏi đáy khủng hoảng, phục hồi và đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững, kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ, nhiều thách thức phải vượt qua. Trước mắt, cần phân tích để hiểu nguyên nhân tại sao trong bối cảnh lạm phát rất thấp (CPI 6 tháng mới tăng 0,55%) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 31,1% GDP, nhưng tăng trưởng chung vẫn đạt 6,28%?
Phải chăng kinh tế Việt Nam đã bớt phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư và lạm phát là yếu tố không còn nhiều tác động đến tăng trưởng? Trả lời được những câu hỏi này, chúng ta mới biết được nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo bền vững hay chưa. Bên cạnh đó, dù kinh tế có phục hồi, quá trình tái cơ cấu vẫn phải tiếp tục được tiến hành một cách quyết liệt.
Trong đó, riêng với tái cơ cấu nông nghiệp - một nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ coi là trọng tâm thời gian tới, cần phải có quy hoạch rõ ràng, xác định rõ những lợi thế của từng loại sản phẩm, từng vùng. Đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu, tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu, giải quyết những bất cập về nạn ùn ứ xảy ra gần đây.
Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản, hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.