Chỉ 5% DN chuyển về hoạt động bình thường
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết những tháng qua hiệp hội tổ chức nhiều cuộc khảo sát “sức khỏe” của DN, tác động của dịch bệnh cũng như khả năng hấp thụ, tiếp nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, vào trung tuần tháng 8 hiệp hội đã tổ chức cuộc khảo sát nhanh với hơn 100 DN, thu về kết quả chỉ 5% đã chuyển về trạng thái hoạt động bình thường; 9% DN bắt đầu vượt qua khó khăn; 44% DN vẫn khó khăn và khoảng 40% DN rất khó khăn. Những khó khăn cụ thể bao gồm thiếu vốn kinh doanh (40%); bị đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu (14%); thị trường thu hẹp 88%; sẽ phải cắt giảm lao động (52%).
Phục hồi kinh tế TPHCM, trước hết phải phục hồi hoạt động của DN, bởi DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Chỉ cần không bị phá sản DN sẽ sớm phục hồi và như chiếc lò xo bị nén sẽ bật lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới. Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TPHCM |
Đáng chú ý, 76% DN được hỏi chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ 10% DN tiếp cận được chính sách ngân hàng (NH), cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay. 5% đã tiếp cận chính sách tạm ngừng đóng hưu trí, tử tuất. Chưa có thông tin DN nào được vay tiền không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động, cũng như được giảm phí, lệ phí. Theo ông Dũng việc khảo sát quy mô nhỏ chưa phản ánh đầy đủ thực trạng, nhưng có cơ sở để nhìn nhận thực tế về kết quả các chính sách hỗ trợ DN và người lao động. Phía DN mong mỏi NHNN sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng được hỗ trợ, cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền…
Cũng nói về những khó khăn của DN, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết tình hình chung của DN dệt may rất khó khăn, các thị trường chính như EU, Mỹ đều sụt giảm nghiêm trọng, giá gia công giảm trung bình 10%, nếu phải cạnh tranh với các quốc gia khác mức giảm lên tới 20%. Đặc biệt, chưa có DN trong ngành dệt may TP tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 0%. Riêng chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN nên áp dụng cho mọi DN, không nên khống chế ở các DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Các DN tham gia tọa đàm cũng nhấn mạnh đến việc giải quyết nút thắt là thủ tục hành chính để hỗ trợ các DN tốt nhất.
Cần giải pháp cho chiến lược dài hạn
Cần giải pháp cho chiến lược dài hạn
Chia sẻ góc nhìn của mình, TS. Trần Du Lịch cho rằng TP cần có những nghiên cứu, phân tích về tác động của dịch lên từng nhóm ngành, vì hiện nay giữa các DN, ngành có sự chênh lệch rất lớn. Nghiên cứu để từ đó các chính sách hỗ trợ sẽ không cào bằng. Vấn đề hiện nay của TP là làm sao tháo gỡ đầu tư tư nhân bên cạnh tháo gỡ đầu tư công. TP cũng nên xây dựng chiến lược tái cơ cấu để DN sau 2 năm có thể phục hồi trên nền tảng chất lượng mới. Tương tự, TS. Vũ Thành Tự Anh nói trong cơn đại hồng thủy ai cũng chịu tổn thất, vấn đề quan trọng nhất phải giữ được mục tiêu. Có 4 mục tiêu được nhắc đến là giữ được tăng trưởng GDP nhất định; hỗ trợ và đồng hành cùng DN; giữ lao động; an sinh xã hội.
TS. Tự Anh nhìn nhận TPHCM nếu giữ được tăng trưởng dương được coi là thành công. Nhưng chuyện giữ tăng trưởng không nên là mục tiêu chính vì đó là vấn đề có tính ngắn hạn. Về tầm nhìn dài hạn là làm sao giữ được lực lượng quan trọng nhất của TP là các DN. Khác với cả nước DN chỉ chiếm 10% GDP, TPHCM là 50% nên không giữ được DN nội lực và nền tảng cho quá trình phục hồi sẽ rất khó khăn. “Chính phủ luôn đặt ra mục tiêu kép chống dịch và giữ được tăng trưởng. TP cũng có mục tiêu kép để thể hiện vai trò tiên phong, sáng tạo của mình” - TS. Tự Anh chia sẻ.
Ý kiến của nhiều chuyên gia tập trung góp ý thực trạng đa số DN rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ, vì thế nên có những nhóm chuyên trách để đưa ra các gói hỗ trợ sát nhất cho các DN. Tại buổi tọa đàm, các DN chuyên gia cũng nói đến hành trình chuyển đổi số của DN và TP. Dịch đang trở thành động lực thôi thúc DN chuyển đổi số, nhưng để thành công cần có hệ sinh thái cho chuyển đổi số. Ngoài ra, với kiến nghị NH nên nới lỏng điều kiện cho vay vốn, các chuyên gia cho rằng NH cũng là DN phải chịu trách nhiệm bảo toàn vốn và quản lý rủi ro. Muốn DN tiếp cận vốn dễ dàng phải có quỹ bảo lãnh tín dụng, vì nếu làm tăng nợ xấu lại phải loay hoay giải quyết.
Lắng nghe ý kiến của hiệp hội, DN và các chuyên gia, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Những góp ý trong khả năng của mình, TP sẽ nghiên cứu tiến hành sớm. Những ý kiến liên quan đến các bộ ngành Trung ương, như tiếp cận vốn, TP sẽ có trao đổi trực tiếp với các bộ, ngành và NHNN để tìm ra phương án thích hợp hỗ trợ DN. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ đưa 2 lĩnh vực là chuyển đổi số và logistics vào chương trình kích cầu của TP, đồng thời sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của hiệp hội, ngành hàng trong các quyết sách liên quan đến chính sách kinh tế của TP.
Nói về những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận xét, lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng dưới 1,2%, có 27.000 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Song dịch cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của DN TP, đã có hơn 6.000 DN hoạt động trở lại, 30.000 DN thành lập mới…