Qiyejituan: "Phép lạ kinh tế Trung Hoa"

(ĐTTCO)-Kinh tế Trung Quốc đã phát triển thần tốc trong vài thập niên qua như một "phép lạ", giúp họ từ nước lạc hậu, nghèo nàn vươn lên thành nền kinh tế số 2 thế giới. Góp phần quan trọng trong phép lạ này là các tập đoàn kinh tế (TĐKT) của Trung Quốc, còn gọi là Qiyejituan. 
Qiyejituan: "Phép lạ kinh tế Trung Hoa"
Sự kết hợp giữa chaebol và keiretsu
TĐ ở Trung Quốc bao gồm các thực thể độc lập về mặt pháp lý, được sở hữu một phần hoặc toàn bộ bởi một công ty mẹ và được đăng ký làm công ty liên kết của công ty mẹ đó.
Để trở thành TĐ kinh tế ở Trung Quốc, công ty cốt lõi phải có vốn đăng ký trên 50 triệu NDT (6 triệu USD) và ít nhất 5 công ty liên kết, tổng vốn đăng ký của các công ty chính và các công ty liên kết khác phải trên 100 triệu NDT (12 triệu USD).
TĐ của Trung Quốc có điểm giống TĐ ở Nhật Bản (keiretsu) và Hàn Quốc (chaebol). Nhiều năm qua, nhận thấy keiretsu đóng vai trò không thể thay thế trong quá trình phục hồi sau chiến tranh của Nhật Bản, trong khi chaebol đã đóng góp rất nhiều vào “Kỳ tích sông Hàn” của Hàn Quốc, các quan chức Trung Quốc đã đến thăm và tìm hiểu các mô hình này.
Theo đó, các TĐKT Trung Quốc đã tuân theo cấu trúc TĐ dựa trên mạng lưới, mở rộng sang nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và nhận được nhiều hình thức hỗ trợ của chính phủ. Đáng chú ý, để cung cấp tài chính cho các công ty thành viên, các TĐ Trung Quốc đã thành lập các công ty tài chính của riêng họ, có chức năng tương tự các ngân hàng chính trong keiretsu của Nhật Bản.
Công ty liên kết với các TĐ được hưởng các lợi ích, như giảm chi phí giao dịch thông qua việc nội bộ hóa các giao dịch kinh doanh giữa các thành viên trong TĐ. Đồng thời, họ phải chịu các chi phí liên quan đến TĐ. Thí dụ, các công ty có lợi nhuận cao hơn phải chịu gánh nặng TĐ do các hoạt động cho vay nội bộ, giao dịch nội bộ và bảo lãnh nợ thường xuyên, vốn thường không dựa trên cơ chế thị trường. 

Các giai đoạn
Kể từ khi nhà nước thực hiện cải cách kinh tế vào năm 1978, đã có 4 loại hình sở hữu DN: nhà nước, tập thể, tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu công ty cốt lõi hoặc tổng công ty mẹ của nó là DNNN, TĐ được phân loại là sở hữu nhà nước.
Tương tự, một TĐ được coi là không thuộc sở hữu nhà nước khi công ty cốt lõi hoặc công ty mẹ là tổ chức tập thể hoặc tư nhân. Các công ty FDI thường không được coi là các công ty nội địa của Trung Quốc. Các qiyejituan đã trải qua 4 giai đoạn phát triển, trong đó chính phủ đã cố gắng cải cách các DNNN và hệ thống kinh tế kể từ năm 1978.
Năm 1978, Trung Quốc lần đầu tiên khuyến khích sự liên kết giữa các DNNN theo kiểu keiretsu của Nhật Bản. 6 năm sau họ tiến hành cải cách kinh tế hơn nữa và cho phép sự tồn tại của các khu vực ngoài quốc doanh. Năm 1986, lần đầu tiên khái niệm TĐKT xuất hiện trong các văn bản chính thức của Hội đồng Nhà nước.
Năm 1987, Bắc Kinh nêu rõ khái niệm về TĐ và khuyến khích DNNN thành lập TĐ. Nhờ đó, 1 năm sau cả nước đã có 1.630 TĐ quốc doanh. Năm 1991, Hội đồng Nhà nước đã chọn 57 TĐ làm nhóm thử nghiệm quốc gia. Nhóm này chủ yếu là TĐ khu vực quốc doanh, có vai trò dẫn dắt lĩnh vực cụ thể ra thị trường quốc tế, đồng thời "thu nạp" những DNNN nhỏ hoạt động kém hiệu quả.
Năm 1993 là bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc, khi chính thức coi sở hữu tư nhân là "thành phần bổ sung của nền kinh tế". Ngay lập tức nhiều DN ngoài quốc doanh đã được thành lập và giá trị tổng sản lượng của các DNTN năm 1994 gần gấp 15 lần năm 1988.
Đến năm 1995, cả nước có trên 20.000 TĐKT. Vì nền kinh tế không thể duy trì nhiều TĐ như vậy, Hội đồng Nhà nước đã chọn nhóm thứ 2 gồm 63 TĐ thử nghiệm vào năm 1997, và cùng với nhóm thứ nhất được gọi là “120 TĐ thử nghiệm Quốc gia”.
Năm 2003 Trung Quốc thành lập SASAC (Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước), đánh dấu mốc quan trọng trong việc cải cách TĐKT nhà nước. SASAC có toàn bộ chức năng với tư cách là cổ đông của DNNN cấp trung ương, với nhiệm vụ giám sát 189 DN/TĐKT lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Do hầu hết TĐ SASAC này là thử nghiệm, chúng được trao quyền xây dựng kế hoạch chiến lược của riêng mình, thành lập công ty tài chính để huy động vốn, quyết định thành phần đội ngũ quản lý của các công ty thành viên. Các TĐ SASAC này còn có nhiệm vụ chính là xác định vị trí của quốc gia trong trật tự kinh tế quốc tế. Họ là đối trọng của keiretsu Nhật Bản và chaebol Hàn Quốc. 

500 và 50%
8/189 TĐ SASAC đã được xếp hạng trong Fortune Global 500 năm 2003, bao gồm State Grid Corp, CNPC, Sinopec, China Telecom, China Mobile, Sinochem, Shanghai Baosteel và Cofco.
Theo báo cáo ngày 25-11-2020 của Viện nghiên cứu Hurun, giá trị trung bình của 500 công ty tư nhân hàng đầu Trung Quốc đã tăng 55% với mức kỷ lục 110 tỷ NDT (16,7 tỷ USD) so 1 năm trước. Tổng giá trị của 500 công ty này đạt 56.000 tỷ NDT, tương đương 50% GDP của Trung Quốc năm 2019. Tencent Holdings, Alibaba Group Holding, Meituan-Dianping, Pinduoduo và JD.com, 5 gã khổng lồ internet là những TĐTN tăng trưởng mạnh nhất. Theo đó, mỗi công ty đã tăng thêm hơn 100 tỷ USD giá trị trong năm 2020.
Công ty điều hành trò chơi trực tuyến và truyền thông xã hội Tencent (743 tỷ USD), đã vượt qua gã khổng lồ Alibaba (713 tỷ USD) để trở thành công ty có giá trị nhất. Nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến Meituan (243 tỷ USD) đã leo lên vị trí thứ 3 từ thứ 6 năm ngoái. Ping An Insurance (221 tỷ USD) và Ant Group (209 tỷ USD) đã nằm trong top 5.
Các nhà khai thác nền tảng mua sắm trực tuyến Pinduoduo và JD.com lần đầu tiên lọt vào danh sách top 10, khi đại dịch tăng tốc việc áp dụng mua sắm trực tuyến. Pinduoduo (170 tỷ USD) đã tăng 289% về giá trị để xếp thứ 6. JD.com (149 tỷ USD) tăng 200% để xếp thứ 8.
Theo Tân Hoa xã, tính đến 2019, khu vực tư nhân đóng góp hơn 50% doanh thu thuế, 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ, 80% việc làm ở thành thị và 90% việc làm mới và các doanh nghiệp mới của Trung Quốc.
Trong nhiều lĩnh vực, các công ty tư nhân đã trở thành những nhà đổi mới hàng đầu, được thúc đẩy bởi sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển (R&D) và tinh thần tiên phong trong việc khám phá các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới.

Các tin khác