Quản lý bằng lãi suất trung tâm

(ĐTTCO) - Trước nay, lãi suất được cơ quan quản lý tiền tệ điều chỉnh chủ yếu thông qua các mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất đã về mức hợp lý, việc quản lý bằng các công cụ lãi suất điều hành thay vì biện pháp hành chính là điều đang được khuyến cáo thực hiện.

Lãi suất đã ở mức hợp lý

 Nếu xây dựng được hệ thống lãi suất trung tâm, tất cả các loại lãi suất sẽ được kết nối và điều chỉnh xoay quanh đó. Chỉ cần NHNN thay đổi lãi suất trung tâm, tự động các loại lãi suất huy động và cho vay khác cũng sẽ thay đổi theo. Như vậy việc điều hành lãi suất cũng thuận lợi và ít áp lực hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo lãnh đạo một NHTMCP, điểm sáng của năm 2017 và dự báo cho cả năm 2018 chính là câu chuyện về lãi suất. Đánh giá một cách khách quan, lãi suất năm 2017 đã được kiểm soát, duy trì và ổn định ở mức khá hợp lý để DN có thể tính toán giá thành bán ra cạnh tranh hơn.
Sở dĩ lãi suất cho vay được điều chỉnh về mức hợp lý vì có nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ. Một là kinh tế quý III-2017 đã đạt mức tăng trưởng rất tốt và về cơ bản có thể tự tin sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Bên cạnh đó, lạm phát cũng đang được kiểm soát tốt. Đây là yếu tố quan trọng nâng đỡ cho lãi suất. Hai là sau rất nhiều năm trở lại đây, thanh khoản NH cũng đã trở lại trạng thái dư dả. Ba là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hồi phục và hầu như không có dấu hiệu khủng hoảng, nhập siêu trong xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối tăng cao, tỷ giá VNĐ và USD đã được giữ ổn định, NHNN thậm chí còn giảm giá mua vào đối với USD trong thời gian gần đây.
Ba điều kiện mấu chốt sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì mức lãi suất hợp lý từ nay đến cuối năm và cho cả nửa đầu năm 2018. Bên cạnh đó, xu hướng gửi tiết kiệm đang gia tăng cũng giúp cho các NH có điều kiện huy động với lãi suất thấp, từ đó giảm lãi suất đầu ra.
Nhìn về lãi suất hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cũng nhận định lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đang ở mức phù hợp. Để minh chứng, TS. Hiếu cho biết ở Hoa Kỳ trong điều hành chính sách lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có một Hội đồng thị trường mở, mỗi năm hội đồng này họp 8 lần.
Mỗi lần họp hội đồng định ra một mức lãi suất mục tiêu. Năm 2015, FED lần đầu tiên nâng lãi suất từ 0% lên 0,25%, đến năm 2016 nâng lên 2 lần và năm 2017 nâng lên 1 lần. Tính đến thời điểm hiện tại lãi suất mục tiêu của FED là 1,25%. Đây là lãi suất mà các NH cho nhau vay trên thị trường liên NH, cũng như lãi suất mà NH Trung ương cho các NH vay. 
Từ lãi suất mục tiêu 1,25%/năm, các NH sẽ định lãi suất xung quanh lãi suất mục tiêu đó. Theo đó, lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt nhất được gọi là lãi suất chuẩn, thông thường được tính bằng 3% trên lãi suất mục tiêu, tức là 4,25%/năm. Các DN nhỏ và vừa phải trả mức lãi suất bằng lãi suất chuẩn cộng biên độ 2-3%.
Theo đó, các DN hạng trung tại Hoa Kỳ với lãi suất chuẩn cộng biên độ 2% tức là 6,25%/năm. Các DN nhỏ vay với lãi suất chuẩn cộng 3% là 7,25%/năm. Do đó, lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện không quá cao, vì rất nhiều DN có thể vay vốn NH với lãi suất 6,5%/năm. 
 Ảnh minh họa. 

Nên điều hành lãi suất bằng công cụ
Dù nhiều ý kiến cho rằng lãi suất đã ở mức hợp lý, nhưng theo yêu cầu của Chính phủ, hệ thống NH phải phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay để DN dễ dàng tiếp cận tín dụng. Thời điểm này, các chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách tín dụng của NHNN đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Thực tế tăng cho vay và lãi suất thấp rất có lợi, nhưng những DN yếu lệ thuộc vào vay vốn NH nhưng lại không đem lại hiệu quả kinh tế mà chỉ làm tăng dư nợ sẽ mang rủi ro nợ xấu. Còn với các DN khỏe, tăng cho vay và lãi suất thấp sẽ lại đem lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro nợ xấu nhưng lại không phải là điều hấp dẫn vì những DN này không lệ thuộc nhiều vào việc vay vốn NH. Do đó, giảm lãi suất chưa hẳn giúp hấp thụ tín dụng tốt hơn. 
Tuy nhiên, nếu Chính phủ và NHNN kiên quyết thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay có thể xem xét một số biện pháp. Thứ nhất, tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống NH và tạo điều kiện cho lãi suất trên thị trường liên NH tiếp tục giảm.
Thứ hai, NHNN phải tiếp tục giảm 0,25% cho các lãi suất điều hành bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và thanh toán bù trừ.
Thứ ba, NHNN sử dụng công cụ OMO để điều hòa cung tiền trên thị trường để kiểm soát lạm phát. Thứ tư, NHNN duy trì ổn định tỷ giá và nếu cần sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối.
Về lâu dài, đối với vấn đề lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng nên có cơ chế để lãi suất được điều tiết theo cung cầu của thị trường, thay vì các mệnh lệnh hành chính như hiện nay.
Để điều hành lãi suất theo cung cầu thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã đề xuất NHNN tham khảo mô hình điều hành lãi suất ở Hoa Kỳ thông qua lãi suất mục tiêu. Theo đó, NHNN không quy định lãi suất trần mà thiết lập một loại lãi suất trung tâm cho thị trường NH, từ đó làm cơ sở để các loại lãi suất huy động và cho vay hình thành từ cung cầu của thị trường.
Hiện tại Việt Nam không có cơ chế này. NHNN đặt ra lãi suất cơ bản, nhưng lãi suất cơ bản hình như không đóng vai trò trong việc điều hành lãi suất. Chính vì vậy, lãi suất trên thị trường liên NH (lãi suất trên thị trường 2) và lãi suất cho vay DN (lãi suất trên thị trường 1) không có kết nối với nhau, có thời điểm lãi suất liên thị trường 2 rất thấp còn lãi suất thị trường 1 rất cao và ngược lại. 

Các tin khác