Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), cho biết: “Xã Bình Hải có hơn 250 tàu thuyền, đa số tàu thuyền đã đến bến neo đậu an toàn, còn lại 60 chiếc trên 20CV cũng được đưa vào khu vực neo đậu tại các thôn. Xã đã huy động lực lượng giúp ngư dân đưa tàu, thúng vào bờ”.
UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Hải kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại biển xã Bình Hải. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, yêu cầu địa phương phải kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đã đảm bảo an toàn để không có thiệt hại về người và tàu.
“Các tàu, thúng chưa neo đậu an toàn hoặc chưa vào bến neo đậu cần thiết phải cưỡng chế neo đậu, một số khu vực xung yếu cần thiết phải di dời người dân đến nơi an toàn. Đến 17 giờ chiều nay, nhà dân, tàu thuyền, cơ quan trụ sở, trạm y tế… đều phải đảm bảo an toàn” - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn yêu cầu.
Các địa phương trên địa bàn huyện Bình Sơn thực hiện phương án “4 tại chỗ”, trong đó lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ phải sẵn sàng công tác vừa chống bão vừa chống dịch, di dời dân đảm bảo giãn cách, các khu vực phong tỏa khi cần di dời dân thì thực hiện như quy định phòng chống dịch tại các điểm cách ly.
Một số ngư dân đang tiến hành kiểm tra neo đậu thúng trong sáng 11-9 để đảm bảo an toàn. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, hiện nay 200 ngư dân Bình Định đang neo đậu tại cảng Dung Quất và cảng Sa Cần sẽ được đưa đi tránh trú bão như đi cách ly từ vùng dịch về, đảm bảo nhu yếu phẩm cung cấp ngư dân. Tinh thần là vừa chống bão vừa chống dịch.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cũng đã đến kiểm tra khu cách ly tập trung Thiên Tân, ông yêu cầu lực lượng cần gia cố mái nhà và tỉa cây cối tại khu cách ly để hạn chế gió lớn tốc mái, cây cối ngã đổ và kiểm tra một số địa phương ven biển huyện Bình Sơn.
Lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn kiểm tra công tác chống bão số 5 tại khu cách ly Thiên Tân. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Cùng ngày, ông Phạm Quang Sự, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại xã Bình Châu, đây là địa phương nằm sát biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh, ông yêu cầu địa phương rà soát công tác chằng chống nhà cửa, di dời dân, tàu thuyền.
Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết: “Các phương tiện tàu thuyền chưa vào bến sẽ tiến hành cưỡng chế. Một số khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bão, các khu vực sát biển thì xã đã lên kế hoạch tiến hành di dời. Các lực lượng công an, dân quân…. đã phân chia các thôn Châu Thuận Biển, Định Tân… để giúp người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền”.
Người dân Lý Sơn và Bình Sơn (Quảng Ngãi) không ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 11-9 để đảm bảo an toàn |