Quốc hội yêu cầu xử lý doanh nghiệp 'sân sau' của nhà băng

(ĐTTCO) - Sáng 29-11, trước khi bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 4 dự thảo nghị quyết quan trọng.
Quốc hội yêu cầu xử lý doanh nghiệp 'sân sau' của nhà băng

Phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém

Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực.

Trong đó, với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan cổ phần hóa các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng NN&PTNT (Agribank); đánh giá và có phương án giải quyết trường hợp doanh nghiệp quá hạn, mất khả năng thanh toán trái phiếu đã phát hành; kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ… trong giới hạn cho phép.

Quan tâm phát triển mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường vốn; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Với lĩnh vực GTVT, trong quý II-2024, Chính phủ phải ban hành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam. Trong năm 2024, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan hệ thống thu phí điện tử không dừng và có giải pháp xử lý các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT; khẩn trương đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc.

Ở lĩnh vực GD-ĐT, Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo...

Trong lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; năm 2024, Chính phủ có phương án giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động; có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế…

Với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

Giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Tại nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…

Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31-12-2024; bổ sung 966 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án.

Đồng thời, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 2.920 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31-12-2024.

Về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Trong đó, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Các tin khác