Quốc tế đánh giá cao nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam

(ĐTTCO)-Với Việt Nam, lạm phát hiện nay vẫn được kiểm soát tốt nhờ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và tự chủ được nguồn cung cấp nhu yếu phẩm ở trong nước.
IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng tại khu vực trong tiến trình phục hồi. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng tại khu vực trong tiến trình phục hồi. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những đứt gãy của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và sau đó là những tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt trên toàn cầu. Bắt đầu từ các nền kinh tế phát triển, lạm phát trở thành câu chuyện chung của không ít các quốc gia.

Tuy nhiên, với Việt Nam, lạm phát hiện nay vẫn được kiểm soát tốt nhờ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và tự chủ được nguồn cung cấp nhu yếu phẩm ở trong nước.

Từ những nỗ lực kiểm soát lạm phát hiệu quả

Quan chức phụ trách truyền thông của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Pemba Tshering Sherpa, đánh giá lạm phát của Việt Nam thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Lạm phát cho đến gần đây hầu như chỉ giới hạn ở một số loại hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ tiêu thụ nhiều nhiên liệu như vận tải.

Bà Sherpa cho rằng người tiêu dùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá thực phẩm trên toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và thói quen tiêu thụ gạo vẫn rẻ hơn lúa mỳ cũng như các loại ngũ cốc khác.

Theo bà Sherpa, việc cắt giảm thuế môi trường và các loại thuế, phí khác đối với các sản phẩm dầu mỏ (thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt) giúp giảm bớt tác động của giá dầu thế giới tăng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đóng băng giá đối với một số dịch vụ, bao gồm điện, y tế và giáo dục, cũng góp phần giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát cho đến nay.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nâng trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% là hoàn toàn phù hợp, góp phần ổn định điều kiện vĩ mô cho tăng trưởng trung và dài hạn.

Về tác động đến xuất khẩu của các động thái trên, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng giá đồng tiền, tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, trong khi việc nới rộng biên độ tỷ giá sẽ làm giảm giá đồng tiền. Đồng tiền Việt Nam có xu hướng trượt giá, sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng lại tác động tiêu cực đến nhập khẩu. Xu hướng trượt giá có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại 8 tỷ USD tính đến giữa tháng 10.

Việc các nền kinh tế phát triển tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ tác động ngay đến châu Á, gây ra tình trạng "nhập khẩu lạm phát", với lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực đều tăng, kết hợp với tác động từ việc tăng giá lương thực, tăng giá xăng dầu.

Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tác động của "nhập khẩu lạm phát", tăng giá lương thực, giá xăng dầu được khống chế tốt hơn, nên mức lạm phát thấp hơn. Nhưng nhìn chung lạm phát có xu hướng tăng và rủi ro "nhập khẩu lạm phát" rất mạnh.

Một trong những tác động nữa là đến tỷ giá. Một loạt các đồng nội tệ mất giá rất mạnh. Trong khi mức độ mất giá của đồng tiền Việt Nam (VND) so với đồng USD tương đối thấp hơn (chỉ khoảng 7%). Điều này một mặt hỗ trợ Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng mặt khác lại ngày càng gây trở ngại, khi gây sức ép ngày càng lớn đến dự trữ ngoại hối.

Về xuất khẩu, VND tương đối ít mất giá so với đồng USD nhưng lại tăng so với hầu hết các đối tác thương mại cạnh tranh thương mại trực tiếp với Việt Nam như Malaisia, Thái Lan, Philippines.

Quoc te danh gia cao no luc chong lam phat cua Viet Nam hinh anh 2
VND tương đối ít mất giá so với đồng USD nhưng lại tăng so với hầu hết các đối tác thương mại cạnh tranh thương mại trực tiếp với Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Còn theo đánh giá của Giáo sư-Tiến sỹ. Andreas Hauskrecht hiện giảng dạy tại Trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana của Mỹ, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiềm chế lạm phát, đặc biệt đánh giá cao các quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ông cho rằng, lạm phát, đặc biệt là lạm phát cơ bản, tại Việt Nam ở mức thấp và ổn định.

Giáo sư Hauskrecht nhận định các cơ quan quản lý của Việt Nam đã ứng phó tốt trước những tác động của COVID-19, góp phần kiềm chế lạm phát. Đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội chưa từng có trên toàn cầu. Mặc dù dịch bệnh từng bước được kiểm soát sau hơn hai năm, nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề lạm phát.

Đến sự thận trọng trước những rủi ro hiện hữu

Bà Sherpa nhận định các chính sách của Việt Nam đã được vận hành tốt để hỗ trợ sự phục hồi trong quá trình chuyển đổi hậu COVID-19. Tuy nhiên, những rủi ro đang hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại đáng kể, áp lực lạm phát trong nước và áp lực đối với đồng tiền của Việt Nam ngày càng tăng. Những thách thức này đòi hỏi sự chuyển đổi từ lập trường chính sách thuận lợi sang thận trọng hơn, tập trung vào việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khu vực tài chính.

Bà Sherpa cũng đưa ra những khuyến nghị về chính sách và biện pháp cho nền kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh trong ngắn hạn, các chính sách tiền tệ và tài khóa cần được phối hợp và truyền đạt một cách thận trọng.

Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chú trọng ổn định giá cả, sau quyết định mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái. Dự trữ ngoại hối nên được bảo toàn để đối phó với tình trạng bất ổn thị trường có thể tồi tệ hơn trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước nên dựa nhiều hơn vào việc tăng lãi suất trong nước và hạ trần lãi suất tín dụng để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi điều này có nghĩa là tăng trưởng có phần thấp hơn. IMF cũng khuyến khích Việt Nam duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 4% vào năm 2023 để thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc ổn định giá cả.

Cũng theo bà Sherpa, chính sách tài khóa cần phải linh hoạt khi đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng. Việt Nam nên dựa vào các khoản chuyển giao có mục tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất, thay vì triển khai bổ sung các biện pháp kích thích tài khóa trên diện rộng có thể sẽ thúc đẩy lạm phát. Ngoài ra, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính cũng có ý nghĩa quan trọng.

Hơn nữa, mức lạm phát cao bất thường ở nhiều nền kinh tế phát triển có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ. Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước có thể phải đối mặt với áp lực tiếp tục tăng tỷ giá trong nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng Việt Nam cần linh hoạt, tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá và tăng lãi suất với mức độ thích hợp. Vấn đề là Việt Nam sẽ thiên về công cụ nào trong thời gian tới.

Trong khi Việt Nam siết chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và giải ngân đầu tư công là chỗ dựa cho tăng trưởng. Vấn đề của Việt Nam là dư địa của chính sách tài khóa cũng như dư địa thời gian cho chính sách tài khóa.

Biện pháp giảm lãi suất cho vay trong hai năm 2022-2023 trong gói phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện, nhưng các biện pháp khác như giảm, giãn thuế vẫn hiệu quả. Việt Nam cũng cần cân nhắc các mục tiêu của các chính sách tài khóa.

Việt Nam cần quản lý thị trường ngoại hối, ngân hàng, sau những bài học của cuộc khủng hoảng năm 2008-2010, tránh gây sức ép quá lớn lên chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và người dân còn tăng và các biện pháp mà Việt Nam đang tiến hành vẫn phát huy hiệu quả.

Giáo sư Hauskrecht cho rằng, cho tới thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thay đổi chính sách tiền tệ và hạ lãi suất, Việt Nam sẽ có thêm dư địa để đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn. Theo ông, Việt Nam trước mắt cần giữ lãi suất ở mức ổn định, chính sách tài khóa hợp lý và chính sách tiền tệ thận trọng.

Các tin khác