Với chỉ số tăng trưởng này, báo chí và chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao trong năm 2022. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra mới đây, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư trực tiếp hàng đầu thế giới.
Năm 2021, Việt Nam đã đạt được mức xuất khẩu cao kỷ lục, hơn 336 tỷ USD, một phần nhờ vào sự mở cửa của hệ thống thương mại quốc tế và việc thực hiện đầy đủ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP…
Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng: "Những kết quả tích cực là nhờ vào một phần các giá trị xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Con số xuất khẩu cao hơn năm trước và tôi cho rằng đó là những tín hiệu rất khả quan, tạo đà cho năm tới, khi mà Hiệp định thương mại tự do giữa 2 bên thực sự phát huy hiệu quả".
Bên cạnh xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến thân thiện ở Châu Á.
Cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Christian Ludwig cho biết, ông luôn khuyến nghị các doanh nghiệp rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
"Các chỉ số về phát triển công nghiệp ở Việt Nam, tôi cho là khả quan và rất có tiềm năng với các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam đang giữ được sự ổn định và môi trường đầu tư tốt. Sự ổn định là vấn đề then chốt đối với các doanh nghiệp" - Cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam nhận xét.
Ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital cũng cùng chung quan điểm này: "Triển vọng đầu tư nước ngoài của Việt nam rất lớn. Mặc dù tăng trưởng FDI có chậm lại do các biện pháp phong tỏa trong quý 2 nhưng về cơ bản vẫn rất triển vọng. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài do sự ổn định về thế chế, xã hội cũng như giá nhân công rẻ".
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam trong nhiều tháng qua liên tục đưa ra khảo sát đối với doanh nghiệp nước ngoài về niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, gần 80% doanh nghiệp đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong tháng cuối năm đều đánh giá, nhờ hệ thống thương mại quốc tế được mở cửa và sự điều chỉnh chính sách hợp lý của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh Covid 19, cán cân thương mại của Việt Nam được cải thiện, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Báo chí nước ngoài có nhiều bài viết nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm tới. Theo Hãng tin Sputnik của Nga, mặc dù làn sóng Covid 19 mới đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội, song nhờ độ phủ tiêm chủng nhanh chóng cùng với các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ, kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi và sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh vào năm 2022.
Tờ Momden Diplomacy có bài viết với tiêu đề “Chính sách kinh tế của Việt Nam và sự thích ứng với Covid 19”, trong đó nhận định, để phục hồi kinh tế, Việt Nam đã tìm cách mở rộng thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do và thúc đẩy đầu tư vào những khu vực chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh. Với chính sách mở cửa kịp thời, mở rộng tiêm chủng để kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã giảm được tình trạng gián đoạn lao động ảnh hưởng tới sản xuất và hỗ trợ được một phần các nhóm yếu thế trong xã hội.