Thông tư 13/2023/TT-NHNN được NHNN ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động NH tại Việt Nam. Cụ thể, Thông tư 13 bổ sung điểm b(iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 và có hiệu lực thi hành từ ngày 14-12-2023.
Theo đó, Thông tư quy định, việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của NH liên doanh cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định và phải đáp ứng điều kiện đối tác mới là doanh nghiệp không phải NH phải được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài. Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào NH liên doanh theo quy định của pháp luật;
Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật.
Đặc biệt, đối tác mới phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm khi nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của NH liên doanh.
Hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của NH liên doanh.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp.
Đối tác mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp, không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
Đồng thời, đối tác mới không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.