Bãi giữa sông Hồng với diện tích khoảng 23ha, chủ yếu để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang gây lãng phí lớn, nếu được quy hoạch, đầu tư sẽ giúp Hà Nội có thêm không gian văn hóa.
Bãi giữa sông Hồng là vùng đất phù sa bồi đắp trong nhiều năm với diện tích khoảng 23ha, được phủ xanh bởi cây cối.
Tuy nhiên, bãi giữa sông Hồng hiện chủ yếu được sử dụng để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang gây lãng phí lớn. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bãi giữa còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống trong khu vực.
Nhiều tiềm năng phát triển
Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Nằm trong không gian văn hóa sông Hồng, hài hòa với cảnh quan hai bên bờ và cầu Long Biên lịch sử, bãi giữa sông Hồng chứa tiềm năng lớn để phát triển thành không gian văn hóa sáng tạo phục vụ người dân và du khách.
Đặc biệt, bãi giữa sông Hồng rất gần không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Trong khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đang quá tải, chật chội thì bãi giữa sẽ là một không gian mở rộng với nhiều hoạt động hơn.
Hiện nay, Quy hoạch Phân khu Đô thị sông Hồng đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nôi phê duyệt là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo.
Kinh nghiệm thế giới
Tại hội thảo khoa học "Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp" do Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 24/11 mới đây, những bài học kinh nghiệm trên thế giới về xây dựng công viên văn hóa cảnh quan; những kịch bản về phát triển bãi giữa sông Hồng đã được đưa ra thảo luận.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity (đơn vị quy hoạch Khu đô thị sáng tạo Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng bãi giữa sông Hồng là cơ hội lớn của Hà Nội để tạo ra không gian xanh ngay trong lòng thành phố.
Theo ông Dũng, việc này thế giới đã có nhiều mô hình hay, Trung Quốc có rất nhiều mô hình như vậy mà tiêu biểu là bãi sông tại Puyangjiang River Corridor tỉnh Chiết Giang, họ đã làm những cây cầu đi bộ sang bãi giữa, biến nơi đây thành không gian xanh được đông đảo du khách biết tới. Thậm chí họ còn tạo các trải nghiệm khi đến không gian này mùa nước ngập, vô cùng thú vị, ông Dũng nói và nêu ví dụ ở Việt Nam có cây cầu Long Biên, nếu trở thành cầu đi bộ thì sẽ là kết nối hoàn hảo cho công viên bãi giữa.
Tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), bãi sông là nơi hoạt động du lịch, sân bóng, sân golf, nước ngập thì dừng hoạt động. Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng sau lũ rút, bù lại, họ được một vị trí kinh doanh vô cùng thuận lợi.
Hay như ở Singapore, họ trồng cây, làm lưới hiện đại, thả chim chóc, tạo không gian trải nghiệm cho du khách.
Một góc bãi giữa sông Hồng. (Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN) |
Đưa bãi giữa trở thành không gian văn hóa
Theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, trước hết thành phố Hà Nội cần nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và từ thành phố phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh để tận dụng các không gian khoáng đạt của cảnh quan bầu trời, mặt nước, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân và du khách.
Bàn về việc tổ chức không gian bãi giữa sông Hồng kết nối trục sông Hồng đóng góp cho tương lai đô thị Hà Nội, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng ngoài hệ thống cầu, thành phố nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ; tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước; thay thế cơ bản tuyến đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông với cao độ và độ bền tương ứng…
Về giải pháp cho trục cảnh quan trung tâm, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất cần tổ chức cảnh quan bình dị, mang hơi thở làng giàu bản sắc và giàu tính chất sinh thái bản địa; tổ chức tiểu cảnh đều khắp. Bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền.
Bên cạnh đó, Hội thảo được nghe nhiều tham luận bàn thảo những giải pháp quy hoạch, phát triển và quản lý khu vực bãi giữa và trục sông Hồng. Các những ý kiến đều mong muốn để bãi giữa sông Hồng trở thành một không gian văn hóa, cuốn hút cộng đồng, tăng khả năng khai thác cho du lịch, góp phần phát triển trục sông Hồng trở thành trục "xanh-sinh thái-văn hóa" giữa lòng Hà Nội.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định những đề xuất hình thành công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng gắn kết chặt chẽ với sông Hồng là những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học để đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và sông Hồng nói riêng.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tập hợp những ý kiến đề xuất lên thành phố thông qua, để bổ sung vào các quy hoạch của Thủ đô, nhằm sớm đưa kỳ vọng này trở thành hiện thực trong thời gian tới.